Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ phú từ… 1 triệu đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với số vốn ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng, cùng chiếc xe máy cũ, anh Nguyễn Đức Diện (thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) đã gây dựng nên một xưởng sản xuất rộng gần 300m2 cho doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Từ làm thuê thành ông chủ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông thuộc xã Yên Thường, học hết lớp 7, Diện nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Diện từng nghĩ, cuộc sống của mình rồi cũng sẽ gắn liền với ruộng đồng như bao thanh niên nam nữ khác trong thôn. Bước ngoặt cuộc đời đến vào năm 1999, khi Diện được một người quen giới thiệu sang nội thành làm nghề mài cắt gương kính thuê. Càng làm Diện càng cảm thấy hứng thú, muốn học bài bản và gắn bó với nghề.

 
Anh Diện (bên phải) hướng dẫn thợ trẻ
Anh Diện (bên phải) hướng dẫn thợ trẻ
Dù công việc khá ổn định nhưng do làm thuê nên thu nhập cũng chỉ đủ nuôi thân. Nguyễn Đức Diện nung nấu ước mơ có thể mở được một xưởng mài cắt gương kính cho riêng mình. Sau gần một năm miệt mài học hỏi, Diện trở về quê với quyết tâm mở xưởng. Khó khăn tưởng như không thể vượt qua được khi trong tay Diện chỉ có khoảng hơn 1 triệu đồng tiền vốn, cùng chiếc xe máy cũ mua lại từ ông chủ. Một trở ngại khác là Diện còn quá trẻ, chưa có nhiều mối quan hệ... Khó vậy, nhưng sự quyết tâm trong lòng chàng trai trẻ vẫn không hề mảy may suy giảm.

Những ngày đầu mở xưởng, Diện vừa là chủ vừa là công nhân duy nhất, phải cáng đáng toàn bộ công việc, từ sản xuất đến tiêu thụ. Chiếc xe máy cũng được chế thành chiếc xe bò để anh chở hàng đi chào bán khắp trong thôn, ngoài xã. Cũng có lúc khó khăn khiến Diện tưởng chừng như phải gác lại ước mơ. Đó là khi đi chào hàng, gặp hàng chục người cũng chỉ được 1 - 2 người đặt hàng. Hơn nữa, không phải khách hàng nào cũng có tiền trả ngay, khiến anh rơi vào tình trạng nợ nần. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì làm ra những sản phẩm tốt nhất, đồng thời làm thật tốt khâu dịch vụ. "Tiếng lành đồn xa", khách hàng dần dà cũng biết đến thương hiệu của "Diện gương kính". Số lượng khách hàng tự tìm đến ngày một nhiều hơn. Việc kinh doanh nhờ đó bắt đầu "thuận buồm xuôi gió".

Đóng góp cho quê hương

Một trong những khó khăn lớn nhất trên con đường lập nghiệp của Diện là sự cạnh tranh trên thương trường. Để có thể sản xuất ra những sản phẩm đẹp, nhanh hơn phục vụ khách hàng, Diện nghĩ ngay tới việc đầu tư đổi mới công nghệ. Nhờ chăm chỉ và biết chắt chiu, chỉ sau một vài năm, Diện đã trang bị được một chiếc máy mài cắt gương kính tự động hiện đại bậc nhất khi đó. Từ năm 2008 đến 2011, anh mua xe tải 1,5 tấn để chở hàng, đầu tư thêm 4 máy gia công cắt gọt gương kính. Hiện, diện tích nhà xưởng của gia đình anh đã lên tới 300m2.

Không chỉ làm giàu cho chính mình, Diện còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 nhân công và hàng chục lao động khác với mức lương trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của xưởng "Diện gương kính" không chỉ được cung ứng cho các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội mà còn được xuất sang các tỉnh, thành lân cận. Ngoài sản xuất, gia đình anh Nguyễn Đức Diện còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Năm 2011, gia đình anh đã hỗ trợ Quỹ Phát triển nông thôn mới của thôn Yên Khê trên 50 triệu đồng để xây dựng đoạn đường đê dẫn vào thôn này. Hai năm qua, gia đình anh cũng ủng hộ gần 100 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp đình làng Yên Khê, và một số đoạn, tuyến đường liên thôn, xóm trên địa bàn xã Yên Thường.  

Là tấm gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, Nguyễn Đức Diện thường xuyên được mời chia sẻ về kinh nghiệm làm kinh tế với thanh niên. Trong những buổi trò chuyện đó, điều anh luôn trăn trở và không quên nhắn nhủ tới các bạn trẻ là: "Quê mình nghèo, không có nghề phụ ngoài nông nghiệp. Bởi vậy, muốn đóng góp cho quê hương, không có cách gì hơn là các bạn phải dám nghĩ dám làm, quyết tâm và kiên trì. Khó khăn nghề nào cũng có, nhưng chỉ cần thực sự đam mê, rồi một ngày thành công sẽ đến…".