Uber, Grab sắp được hợp thức hóa?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải cho rằng dịch vụ quản lý, điều hành taxi thông qua phần mềm như Uber, Grab đang phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Nhận định trên đã được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, dịch vụ quản lý, điều hành taxi thông qua ứng dụng như Uber, Grab... cần được hợp thức hóa.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, các ứng dụng trên đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh cũng như mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách. Vì vậy Dự thảo cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện quản lý điều hành xe taxi thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách thay thế cho việc điều hành thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc.

 
Với tính tiện lợi cao, các dịch vụ như Uber, Grab... đang đe dọa mạnh tới taxi truyền thống.
Với tính tiện lợi cao, các dịch vụ như Uber, Grab... đang đe dọa mạnh tới taxi truyền thống.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết trong quá trình thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh loại hình này còn tồn tại khá nhiều vấn đề. Có thể kể đến như DN không cung cấp được danh sách lái xe và số lượng phương tiện, một số DN có Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng không xin cấp phù hiệu cho xe hoặc hợp đồng thêm phương tiện ngoài danh sách xe đã đăng ký, lái xe không có hợp đồng lao động ký với đơn vị kinh doanh vận tải. 

Chính vì vậy, Bộ cũng cho rằng trong thời gian tới cần có quy định để quản lý các đối tượng này nhằm mục tiêu khuyến khích các DN đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh.

Như vậy, sau một thời gian dài tranh cãi về việc có hay không hợp thức hóa dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng di động như Uber, Grab... vấn đề này đã sắp có câu trả lời cuối cùng. Nhiều khả năng, trong thời gian tới Uber hay Grab sẽ được coi là loại hình kinh doanh vận tải hợp pháp.

Mặt khác, nếu Dự thảo Nghị định trên được thông qua, việc thu thuế, vốn đã lùm xùm bấy lâu của các dịch vụ Uber, Grab... sẽ được giải quyết đáng kể. Bởi hiện tại rất khó phân biệt Uber và Grab là nhà cung cấp dịch vụ vận tải hay chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải. Từ đó dẫn tới việc khó xác định được các DN kinh doanh dịch vụ dạng này phải đóng thuế như thế nào.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề thu thuế Uber, Grab, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cơ quan thuế có thể học hỏi các nước trên thế giới đã và đang thực hiện ra sao để áp dụng nhanh chóng cũng như hợp lý ở Việt Nam. Mặc dù nên cổ vũ đón nhận công nghệ mới mang lại tiện ích cho người dùng nhưng bên cạnh đó cũng cần có cách thức quản lý chặt chẽ và thỏa đáng.