Nhiều lần bị trả Đề án
Ngày 18/1 vừa qua, Bộ GTVT đã có Văn bản số 634/BGTVT-VT trả lời về Đề án thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động VTHK theo hợp đồng của Công ty TNHH Uber Việt Nam. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Công ty khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành; đây đã là lần thứ 2, Đề án của Uber Việt Nam bị trả lại. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phân tích: “Bộ GTVT chưa chấp thuận Đề án của Uber và đề nghị Uber bổ sung các giấy phép và làm rõ các nghĩa vụ, trách nhiệm của Uber trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký DN của Uber Việt Nam chỉ bao gồm hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền”.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm này, Uber Việt Nam cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam. Ngoài ra, Đề án của Uber cũng chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách. Bên cạnh đó, việc Công ty Uber BV ủy quyền cho Công ty Uber Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh, tại Việt Nam sẽ không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Vẫn cố tình vi phạm
Theo quy định pháp luật về thương mại điện tử, ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự “ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử”. Vì vậy, ứng dụng Uber cần được thực hiện các thủ tục đăng ký “ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử” với Bộ Công Thương. Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.
Mặc dù vậy, nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngày 13/2, ứng dụng Uber vẫn hoạt động bình thường, vẫn kết nối hành khách với lái xe, tính cước và thu tiền. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, tình trạng hoạt động ngoài luồng, không nộp thuế của Uber đã diễn ra từ lâu; Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn thường xuyên báo cáo Bộ GTVT về việc xử phạt các xe sử dụng phần mềm Uber để kinh doanh VTHK sai phép. Tuy nhiên, Uber dường như vẫn không hề có ý định tôn trọng pháp luật cũng như các quyết định của cơ quan chức năng. Giới chuyên gia nhận định, sở dĩ Uber nhất định không bổ sung ngành nghề kinh doanh ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong vận tải là để lách luật. Thay vì tuân thủ các quy định để kinh doanh hợp pháp và nộp thuế, Uber Việt Nam chỉ đăng ký chức năng “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, song song với đó là dựa vào chiêu bài của Uber Hà Lan để thực hiện cung cấp ứng dụng thương mại điện tử để kiếm lời riêng đồng thời trốn tránh trách nhiệm nộp thuế.q
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, tổ chức liên quan về dự thảo Quy định điều chỉnh hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn. Theo đó, ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ bao gồm cả Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải yêu cầu phải có phù hiệu “xe hợp đồng” để quản lý theo đúng quy định của pháp luật.