Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ukraine mong chiến tăng "báo hoa mai" từ Đức thay đổi cục diện chiến sự

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đức đang thận trọng trong việc phê duyệt các loại vũ khí, nhằm tránh kịch bản gây xung đột leo thang tại Ukraine.

Gần 11 tháng sau khi chiến sự Nga-Ukraine diễn ra, Kiev cho biết một hạm đội xe tăng chiến đấu của phương Tây sẽ cung cấp cho quân đội nước này hỏa lực cơ động để đánh bật quân đội Nga trong các trận chiến quyết định vào năm 2023. Phía Đức cũng khẳng định đây sẽ là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự của tân bộ trưởng quốc phòng. 

Khu chung cư bị hư hại nặng nề sau cuộc tấn công hôm 15/1 tại TP Dnipro, Ukraine. Ảnh: Reuters
Khu chung cư bị hư hại nặng nề sau cuộc tấn công hôm 15/1 tại TP Dnipro, Ukraine. Ảnh: Reuters

Tại thành phố Dnipro, theo các quan chức Ukraine, 44 người đã được xác nhận thiệt mạng và 20 người vẫn mất tích trong vụ tấn công vào một tòa chung cư - vụ việc gây thương vong nhiều nhất cho dân thường kể từ chiến sự nổ ra. 79 người bị thương và 39 người được giải cứu khỏi đống đổ nát.

Với việc các đồng minh phương Tây nhóm họp tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức vào cuối tuần này để cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Berlin đang chịu áp lực để xúc tiến việc triển khai hạm đội xe tăng chiến đấu cho Ukraine. 

Quyết định cuối nằm trên bàn của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Vladimir Pistorius, được bổ nhiệm hôm 17/1 thay thế Bộ trưởng Christine Lambrecht từ chức trước đó. 

Lo ngại xung đột leo thang

Đức đang thận trọng trong việc chấp thuận chuyển giao các loại vũ khí với lo ngại có thể khiến xung đột leo thang. Thủ tướng Đức Scholz trong một bài phát biểu hôm 17/1 với Bloomberg TV, xác nhận rằng các cuộc thảo luận với các đồng minh của Đức về xe tăng đang diễn ra nhưng không nên tiến hành công khai.

Điện Kremlin tuần trước cho biết việc chuyển giao vũ khí mới, bao gồm cả xe bọc thép do Pháp sản xuất cho Kiev sẽ "làm sâu sắc thêm nỗi đau của người dân Ukraine" và sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine ngày 24/2/2022, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD bao gồm hệ thống tên lửa, máy bay không người lái, xe bọc thép và hệ thống liên lạc.

Ba Lan và Phần Lan đã nói rằng họ sẽ gửi chiến tăng Leopards nếu Berlin chấp thuận tương tự. 

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 17/1 khẳng định với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Hà Lan sẽ cùng Mỹ và Đức gửi tên lửa Patriot tới Ukraine.

Mặt khác, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết các đồng minh NATO đang chuyển một thông điệp rõ ràng tới ông Putin bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Phát biểu tại một diễn đàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Ngoại trưởng Cleverly cho biết: "Thông điệp chúng tôi gửi tới Putin... là chúng tôi đã cam kết hỗ trợ Ukraine cho đến khi họ chiến thắng".