Điều này đang đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với ngành chăn nuôi TP.
Chuyển biến chậm
Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của TP, người chăn nuôi trên địa bàn Thủ đô đã mạnh dạn ứng dụng CNC vào sản xuất, thể hiện ở việc sử dụng các giống vật nuôi có năng suất cao, cải tạo hệ thống chuồng trại, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Ngoài các giống lợn, gà ông bà, bố mẹ được nhập từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn giống trong nước, một thành công đáng chú ý nhất phải kể đến là việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với bò, lợn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt tăng từ 22% năm 2010 lên 57% năm 2015 và đạt 100% đối với bò sữa. Đối với đàn lợn, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo tăng từ 25% năm 2010 lên mức 63% hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, các trại chăn nuôi trên địa bàn TP mới chủ yếu là ứng dụng một phần CNC. Cụ thể, đối với các trang trại chăn nuôi bò sữa, mới có 78% sử dụng hệ thống chống nóng và 85% trại có máy vắt sữa. Đối với bò thịt, có 47% trại chăn nuôi đã sử dụng hệ thống chống nóng. Trong chăn nuôi lợn, có 40% trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát và tỷ lệ này là 35% đối với chăn nuôi gà. Điều đáng nói, bình quân tỷ lệ ứng dụng CNC theo đầu vật nuôi của Hà Nội vẫn đạt khá thấp. Chẳng hạn, tỷ lệ ứng dụng CNC trên bò thịt đạt 0,8%, bò sữa đạt 18%, lợn đạt 37%, gia cầm đạt 25%.
Rõ ràng, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi ở Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư ứng dụng CNC lớn, trong khi quỹ đất xây dựng trang trại có tính ổn định chưa cao khiến cho nhiều người e ngại đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động chăn nuôi còn hạn chế về trình độ chuyên môn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc ứng dụng CNC vào lĩnh vực này.
Tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi Thủ đô
Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội tiếp cận được với khoa học công nghệ mới, giống mới cũng như làn sóng đầu tư mới vào ngành. Tuy nhiên, đi cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp những thách thức không nhỏ do thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, càng nới rộng khoảng cách về giá thành sản phẩm trong nước với nhập khẩu. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi và tổ chức liên kết chăn nuôi – tiêu thụ là 2 giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định tới sự thành công của việc phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập.
Ông Tường cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng xác định ứng dụng CNC là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi từ 15 - 20%. Từ đó giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Hà Nội với các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, TP chủ trương tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020 theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP phê duyệt. Trong đó, chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật CNC.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp TP còn xác định ưu tiên và chú trọng vào khâu sản xuất giống vật nuôi, thu hút các DN đầu tư sản xuất giống chất lượng cao để cung cấp cho các tỉnh chăn nuôi thương phẩm, rồi đưa sản phẩm về Hà Nội chế biến, tiêu thụ. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như bò thịt BBB, Droughtmaster, Reg Angus, gà D300... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng đề nghị UBND các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để DN, hộ dân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là ứng dụng CNC từ khâu sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Chăn nuôi bò sữa tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Thiên Tú
|