Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng dụng công nghệ vận hành phân khúc bán lẻ: Xu hướng tất yếu

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam hiện xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney và được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Theo chuyên gia việc ứng dụng công nghệ để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng tại các khu vực bán lẻ là yếu tố then chốt để phân khúc bất động sản (BĐS) bán lẻ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Xu hướng tất yếu
Chị Phan Thu Lan (38 tuổi) trú tại tòa T7, khu đô thị Times City cho biết, chị và gia đình thường đi đến các trung tâm thương mại vào các dịp cuối tuần, vừa để thỏa thích thú vui mua sắm và để tận hưởng những dịch vụ vui chơi giải trí phù hợp cho nhiều lứa tuổi.
“Các trung tâm thương mại có nhiều dịch vụ từ mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí... nó đáp ứng gần như tất cả những nhu cầu của gia đình tôi từ người lớn đến trẻ nhỏ. Sẽ rất bất tiện nếu như những ngày nghỉ phải di chuyển đi nhiều địa điểm, vừa mất thời gian lại mệt mỏi, những tiện ích của những trung tâm thương mại chính là điều thu hút chúng tôi” - chị Lan nói.
Anh Nguyễn Trọng Hiếu (30 tuổi, kỹ sư công nghệ phần mềm) trú tại nhà E5, tập thể Quỳnh Mai chia sẻ, anh Hiếu chuẩn bị lập gia đình nên đang đi tìm một căn hộ, ngoài những yếu tố về vị trí thì vấn đề  tiện ích hạ tầng là mối quan tâm hàng đầu.
“Tôi làm việc tại quận Hai Bà Trưng, nhưng tôi cũng không đặt ra mục tiêu phải mua nhà ngay tại khu vực làm việc, có thể di chuyển xa hơn một chút tại khu vực Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, nhưng những tiện ích công cộng hiện đại phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, như mua sắm, vui chơi, giải trí... tại nơi sinh sống là vấn đề tôi đặc biệt quan tâm” - anh Hiếu cho hay.
 Các trung tâm bán lẻ cần phải cải thiện tính trải nghiệm thực tế cho khách hàng.
Hiện nay, đa phần những người trẻ ở Việt Nam đều thích lui tới những địa điểm mà ở đó họ được tận hưởng nhiều tiện ích công cộng hiện đại, xu hướng này thay đổi từ việc lựa chọn những địa điểm “an cư” tại những tổ hợp căn hộ - trung tâm thương mại, là những địa điểm đông vui nhộn nhịp tiện lợi cho hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm bất kể ngày đêm.
Tại các khu vực bán lẻ với các dịch vụ truyền thống, như: ăn uống, phòng tập thể thao, rạp chiếu phim vẫn thu hút một lượng khách hàng cố định, nhưng xu hướng này đang dần có sự thay đổi ở nhóm dân số trẻ hiện nay. Ngoài các dịch vụ truyền thống, tại các khu vực bán lẻ được cung cấp bỏi những mô hình dịch vụ mới có ứng dụng của công nghệ 4.0 như: thực tế ảo (VR), thể thao điện tử (Esports)... lại đang thu hút sự quan tâm của lượng lớn khách hàng trẻ tuổi.
Đối với những nhà phát triển BĐS, tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nắm bắt được tâm lý khách hàng, song song việc đẩy mạnh đầu tư vào nâng cấp các sản phẩm “an cư” cho người dân, thì cũng rất chú tâm vào khai thác diện tích các trung tâm thương mại (khu vực bán lẻ) để làm địa điểm cho các loại hình dịch vụ.
Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Trung Trần Ngọc Thành cho biết, thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư BĐS lớn đều tập trung vào dòng sản phẩm smarthome (căn hộ thông minh) kết hợp với hệ thống tổ hợp trung tâm thương mại, cung cấp các đầy dịch vụ các dịch vụ: ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm... được xem là yếu tố then chốt để mang đến sự hấp dẫn cho dự án. “Đối với các sản phẩm BĐS cao cấp ngoài yếu tố về vị trí thì các tiện ích tại khu vực bán lẻ sẽ góp phần quyết định cho tốc độ thanh khoản của sản phẩm” - ông Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Đức Khuê cho biết, nhóm dân số trẻ ở Việt Nam ngay từ nhỏ đã được tiếp cận với những tiện ích của công nghệ như máy tính bảng, smartphone... là những người rất nhạy bén với những giải pháp công nghệ mới của thị trường và thích được trải nghiệm, điều đó lý giải vì sao tại những khu vực bán lẻ có nhiều loại sản phẩm công nghệ mới luôn thu hút sự quan tâm, lui tới của các bạn trẻ.
“Việc tăng cường các tiện ích công nghệ tại các khu vực bán lẻ được xem là xu hướng tất yếu hiện nay, các nhà đầu tư BĐS bán lẻ và chủ mặt bằng cần tạo ra những mô hình giải trí mới để tăng giá trị cho cả tổ hợp dự án của mình, trước những sự thay đổi về hành vi và nhu cầu của khách hàng” - ông Khuê nhìn nhận.
Nhìn ra quốc tế
Theo báo cáo của Savills, từ năm 2013 đến nay, tổng chi phí đầu tư vào các dịch vụ truyền thống tại các khu vực bán lẻ trên thế giới ở mức trên 58 tỷ bảng Anh và vẫn đang tiếp tục gia tăng; trong khi đó, thời gian qua các nhà đầu tư BĐS bán lẻ và chủ mặt bằng đã đầu tư khoảng 20 tỷ bảng Anh cho các mô hình giải trí mới tại các khu vực bán lẻ.
Các trung tâm thương mại ở Mỹ, châu Âu và châu Á, làn sóng mở rộng này đang dần thay thế các đơn vị bán lẻ truyền thống bằng các mô hình giải trí mới. Những ý tưởng mới hấp dẫn hiện đang thu hút khách hàng đến với trung tâm thương mại, các chủ mặt bằng ngày càng ghi nhận việc cần đầu tư thêm vào lĩnh vực giải trí để biến trung tâm của mình thành một điểm đến.
Ví dụ như mô hình “crazy golf”, gồm: Chơi golf trong nhà, uống bia và cocktail kèm đồ ăn ngon đang chứng tỏ là một mô hình thành công tại Swingers (London - Anh), Urban Putt (San Francisco - Mỹ) và Holey Moley (Melbourne - Úc). Ở Canada, Công ty The Rec Room đang nâng tầm xu hướng này bằng việc kết hợp VR, thiết bị giả lập với dịch vụ  ăn uống (F&B) và trò chơi điện tử truyền thống.
Hero Entertainment, một đơn vị vận hành Esports Trung Quốc, gần đây đã ký thỏa thuận trị giá 220 triệu bảng Anh với trung tâm thương mại K11 Malls ở Trung Quốc để đưa 9 trung tâm vào vận hành trong hệ thống. Hay Studio công nghệ mang tên teamLab đã tạo ra một bảo tàng nghệ thuật số ở Tokyo, đem đến cho khách hàng trải nghiệm nghệ thuật tương tác và nhập vai trong không gian 3D rộng 10.000 m2. Khách đến thăm bảo tàng có thể sờ và theo dõi các hiện vật trưng bày, những hiện vật này liên tục chuyển động và tương tác với người xem.
“Việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giải trí công cộng tại các khu vực bán lẻ còn được phát triển mạnh ở Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc), hay Stockholm (Thụy Điển)... tất cả nhằm mục đích tăng cường trải nghiệm thực tế cho khách hàng bằng các thiết bị công nghệ, đã mang đến thành công lớn” - đại diện Savills cho biết.
"Nếu so sánh về diện tích bán lẻ trên đầu người thì chỉ số này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn rất thấp so với một số thành phố lớn khác trong khu vực. Tại Hà Nội đạt 0,04m2/người còn tại TP Hồ Chí Minh là 0,07m2/người. So với các thị trường khác của Châu Á, thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa được khai thác, và có tiềm năng phát triển" - Jenny Đào - Hiệp hội BĐS Việt Nam