Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng Hòa: Phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi được công nhận, các sản phẩm OCOP của huyện Ứng Hòa có sản lượng tiêu thụ tăng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhiều sản phẩm chất lượng

Từ năm 2019 đến nay, huyện Ứng Hoà đã được UBND TP đánh giá, công nhận 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao. Theo UBND huyện Ứng Hoà, sau khi được TP công nhận, một số sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh như sản phẩm Gạo Japonica giống nhật JO2 với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 2.000 tấn so với năm được công nhận (năm 2019 tiêu thụ 3.000 tấn, năm 2022 tiêu thụ trên 5.000 tấn). Sản phẩm Chả vịt với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 3 lần/tháng so với năm được công nhận (năm 2021 sản lượng tiêu thụ 600kg/tháng; năm 2023 sản lượng tiêu thụ trên 2.000kg/tháng); các sản phẩm khác có tốc độ tiêu thụ tăng bình quân đạt 30% so với trước khi được công nhận.

Vùng lúa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). 
Vùng lúa thuộc chuỗi liên kết gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa). 

Đơn cử, thời gian qua, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy (huyện Ứng Hòa) đã phát triển lúa, gạo hàng hóa theo hướng bền vững. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thuỷ cho biết: "Để nâng cao chất lượng cho hạt gạo, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã đầu tư hệ thống sấy thóc với công suất 300 tấn/ngày. Ngoài ra, HTX còn phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc những hạt bị vỡ và tạp chất. Với dây chuyền này, hạt gạo bóng, đẹp, đủ tiêu chuẩn vào các kênh siêu thị, cửa hàng phân phối, tiến tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.

Với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí, từ vụ mùa 2022, HTX đã đầu tư 3 máy bay không người lái với số tiền 1,8 tỷ đồng để phục vụ sản xuất lúa. "Mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục héc ta lúa. Nếu như chi phí thuê nhân công cấy tốn 500.000 đồng/sào thì sử dụng máy bay chỉ hết 350.000 đồng/sào. Không những vậy còn giảm thiểu độc hại đối với con người mà việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng đạt hiệu quả cao hơn" – bà Cao Thị Thủy chia sẻ.

Đến nay, trung bình mỗi vụ, HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết sản xuất và tiêu thụ trên 7.000 tấn gạo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Khả năng cung ứng ra thị trường gạo của HTX hàng tháng khoảng 100 tấn.

Cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh của một số sản phẩm, chương trình OCOP của huyện Ứng Hoà đã thúc đẩy kinh tế của người sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết giải quyết việc làm cho trên 20 lao động mùa vụ, 5 lao động thường xuyên…

Tiếp tục phát triển

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, huyện Ứng Hoà đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 2021 đến nay có trên 15 chủ thể OCOP trên địa bàn huyện tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội tổ chức tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì, Trung tâm Hội nghị quốc gia; Hội nghị sơ kết, tổng kết chương trình khuyến nông, chương trình sản xuất nông nghiệp, sơ kết chương trình 04-CTr/TU và các hội nghị khác tổ chức trên địa bàn huyện.

Huyện hỗ trợ trên 100 triệu đồng để xây dựng thí điểm 2 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện đã có nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc tại HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết xã Phương Tú và Siêu thị Hiền Lương xã Hoà Xá để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP.

Người dân mua sắm sản phẩm nông sản OCOP tại Festival nông sản Thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại huyện Ứng Hòa.
Người dân mua sắm sản phẩm nông sản OCOP tại Festival nông sản Thành phố
Hà Nội lần thứ 2 tại huyện Ứng Hòa.

Đặc biệt trong tháng 7/2023, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội tổ chức thành công Festival nông sản Thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại huyện Ứng Hòa nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Ứng Hòa nói riêng, của TP Hà Nội nói chung và các tỉnh, TP.

Qua đó gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; nhằm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Mặt khác, để quản lý, giám sát sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế hàng năm phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm... tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể đã được cấp giấy chứng nhận về việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn, cơ bản các chủ thể đã đảm bảo theo quy định của pháp luật.                    

 

Năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa ban hành kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 14/7/2023 triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện, với chỉ tiêu phấn đấu có trên 20 sản phẩm mới được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, 2 sản phẩm được đánh giá, phân hạng lại với một số sản phẩm như: Dao thép, kéo thép, giày da, dép da, đông trùng hạ thảo, mật ong lên men, chè ướp bông sen, các sản phẩm chế biến từ thịt như chả, giò...