Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng Hòa vướng tiêu chí thu nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, huyện Ứng Hòa là một trong những địa phương có mức bình quân thu nhập đầu người thấp nhất toàn TP với 16,46 triệu đồng/người/năm. Với đặc thù chủ yếu sản xuất nông nghiệp, hành trình cán đích nông thôn mới (NTM) của huyện còn không ít gian nan.

Thu nhập thấp

Cách đây hơn 3 năm, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa chỉ có 3 tiêu chí đạt, hạ tầng cơ sở yếu kém, đường giao thông xuống cấp. Tỷ lệ hộ nghèo lên tới 26% và thu nhập bình quân đầu người mới đạt 9 triệu đồng/người/năm. Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, với sự quan tâm của TP, huyện và nỗ lực của toàn thể chính quyền, nhân dân địa phương, đến nay, Đông Lỗ đã có 12/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt NTM. Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang San - Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, đời sống của nhân dân dù đã được nâng lên song vẫn còn nhiều khó khăn. Đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ đạt 16,6 triệu đồng/người/năm.

 
Làng nghề sơn mài xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa.     Ảnh: Quang Thiện
Làng nghề sơn mài xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quang Thiện
Không chỉ xã Đông Lỗ, ngay cả xã điểm NTM của huyện Ứng Hòa là Đồng Tân cũng đang gặp khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết, dù thu nhập đầu người của xã đã đạt 23,12 triệu đồng/người/năm, gần tương đương với mức bình quân chung của toàn TP (24,7 triệu đồng/người/năm) nhưng các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chưa nhiều, hiệu quả còn hạn chế. Đặc biệt, những trang trại đa canh chưa được khai thác và phát huy hiệu quả trong sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản nên thu nhập trên một đơn vị diện tích chưa cao.

Theo UBND huyện Ứng Hòa, 3 năm qua, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ nên đời sống nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục được cải thiện. Cùng với đó, công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo, không còn nhà dột nát, không còn hộ đói. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 toàn huyện đạt 16,46 triệu đồng/người/năm, cao hơn 5,7 triệu đồng so với năm 2010. Tuy nhiên, so với bình quân chung của toàn TP, mức thu nhập này vẫn còn khá khiêm tốn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cũng vẫn còn cao hơn bình quân của TP, hiện ở mức 5,6%.

Nỗ lực tạo đột phá

Việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, đáp ứng tiêu chí NTM trên địa bàn huyện Ứng Hòa gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù là huyện thuần nông. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương vẫn theo kiểu truyền thống và chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, sản phẩm làm ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản, giá trị sản phẩm thấp, chưa có thương hiệu nên thiếu tính cạnh tranh. Hơn nữa, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là việc hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp...Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, để nâng cao đời sống cho người nông dân, huyện chủ trương đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em nông dân nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất. Hàng năm, huyện dành từ 6 - 8% ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Ông Tuấn đề nghị TP quan tâm đầu tư hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực lai tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao và chế biến, bảo quản sản phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm cùng với chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cho nông dân.

Ngoài ra, theo ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện Ứng Hòa, cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả canh tác. Hiện nay, trên địa bàn TP đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như trồng hoa ly ở Đan Phượng, Từ Liêm… Do đó, huyện Ứng Hòa có thể tổ chức học tập, áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở địa phương, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.