Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng phó với dịch nCoV: Cơ hội để cơ cấu lại thị trường du lịch

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi đại dịch virus corona (nCoV) chưa kết thúc, hoạt động du lịch (DL) đang tạm dừng, PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các DN nghiên cứu kết nối thị trường mới, xây dựng sản phẩm, đào tạo bồi dưỡng, truyền thông – marketing...

PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Thời cơ xây dựng sản phẩm mới
Ông có thể cho biết những thế mạnh về tài nguyên du lịch của Việt Nam đã được khai thác trong thời gian qua thế nào?
- Tổ chức DL Thế giới (UNWTO) đánh giá Việt Nam nằm trong top 20 nước có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2019. Để được đứng thứ hạng số 7, ngành DL nước nhà đã tận dụng khai thác được thế mạnh tài nguyên tự nhiên với hai dòng sản phẩm chủ yếu là DL biển và núi. Bên cạnh đó là thế mạnh văn hóa – tâm linh, thường diễn ra sau Tết, được nhiều người Việt lựa chọn đi cầu mong an lành.
Dòng sản phẩm nữa được khai thác gần đây là DL đô thị tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... thu hút du khách đến tham quan, tham dự các lễ hội lớn, sự kiện. Hơn nữa, thời gian qua, Việt Nam có uy tín trên trường chính trị với nhiều sự kiện quốc tế lớn được tổ chức (Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên) đã quảng bá hình ảnh đất nước và con người. 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 cũng là con số ấn tượng, giúp ngành DL về đích trước 1 năm so với Chiến lược Phát triển DL đặt ra. Tuy nhiên, do đại dịch nCoV đã làm chững lại tất cả các hoạt động DL.
Theo ông, trong thời gian dịch nCoV, các công ty DL nên làm gì để tới đây thu hút du khách?
- Đại dịch nCoV làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các DN DL Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước, DN và mọi người dân đều mong muốn đại dịch qua đi sớm để hoạt động trở lại bình thường, bởi đây chính là thời kỳ cao điểm khách quốc tế và khách nội địa đi tour. Nhưng, chúng ta cũng phải nhìn nhận, Việt Nam, Thái Lan và một số nước đã lệ thuộc quá nhiều vào thị trường khách DL Trung Quốc (năm 2019, Việt Nam đón được 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc).
Thời điểm này, các công ty DL nên tìm cách vượt khó bằng vươn tới thị trường khác. Bên cạnh nguồn Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm hơn 75% khách DL quốc tế đến Việt Nam), DN DL nên nghĩ đến thị trường xa hơn như châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ, Australia... để xây dựng sản phẩm du lịch.
Dù biết rằng, chúng ta không thể đón khách ngay được nhưng cần có chiến lược lâu dài. Các DN cũng nên tăng cường xây dựng những chương trình dành cho khách nội địa và khuyến khích đến các điểm đến khác lạ; nghiên cứu các thị trường mới; tập trung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên; giao cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu xây dựng sản phẩm cũng là nội dung các công ty DL nên làm, thay vì đợi đến mùa thấp điểm. 
Cơ hội thực hiện đối nội, đối ngoại
Hướng dẫn viên (HDV) là nhân tố quan trọng để góp phần vào sự thành công của chuyến đi tour. Thời gian vừa qua vẫn có không ít khách DL phàn nàn về chất lượng đội ngũ hướng dẫn?
- Đội ngũ HDV là hồn cốt của chương trình DL, bởi họ đại diện cho công ty phục vụ khách. Trong những năm gần đây, ngành DL đã xây dựng Luật Du lịch cùng những nghị định, thông tư hướng dẫn chuẩn hóa các điều kiện, quy định hành nghề. Ví dụ, HDV phải được ký hợp đồng, đi hành nghề đeo thẻ, có văn bản điều động đi hướng dẫn.
Tuy nhiên, khách đi tour cảm nhận rất nhiều HDV không đạt chuẩn, do nhiều cơ sở đào tạo, công ty còn hơi xem nhẹ việc tuyển dụng HDV cho rằng lên họ làm công việc tay chân (mang đồ giúp khách), check in phòng nghỉ cho khách mà không chú trọng tổ chức hoạt động hướng dẫn. Bản thân tôi đi nhiều tour DL nội địa, cũng thấy thất vọng. Nhưng, tôi thấy việc này chủ yếu xảy ra ở những công ty nhỏ, còn các DN lớn luôn quan tâm sát sao tới đội ngũ HDV.
Vì thế, trong thời gian này, các công ty cũng cần chú ý đến đội ngũ HDV. Bởi HDV đạt chuẩn, làm khách hài lòng, ngoài kỹ năng giao tiếp ứng xử, hoạt náo, phải có kiến thức nền vững chắc về văn hóa, lịch sử, con người, phong tục, tập quán, lễ hội của điểm đến đó.
Slogan của ngành DL Việt Nam là “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận”. Vậy từng DN DL cũng nên có slogan cho mình để là điểm nhấn thu hút khách đi tour, sau khi dịch virus corona chấm dứt?
-Thực tế, nếu công ty DL nào chú ý đến phát triển hoạt động lâu dài thường đặt ra chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn. Hiện nhiều công ty DL chưa tuyên bố về sứ mệnh của mình, nhưng bây giờ họ có điều kiện thời gian để nghĩ về việc này. Khi công ty DL muốn phát triển lâu dài, rất cần phải có chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh để theo đuổi. Sứ mệnh của công ty chỉ có vài từ khóa ngắn gọn nhưng chuyển tải được thông điệp mà DN muốn chuyển tới khách hàng. Và khi đó, khách hàng sẽ đánh giá trên chính sự phục vụ của HDV và nhân viên theo đoàn.
Theo tôi, thời gian này cũng là cơ hội để các DN làm rõ thêm trách nhiệm xã hội của mình. Tôi đã thấy những DN DL thực hiện đối nội bằng quan tâm đến đội ngũ nhân viên như đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; duy trì chính sách tiền lương, khen thưởng; có thông điệp để họ gắn bó với DN trong thời điểm khó khăn.
Về đối ngoại, DN DL có trách nhiệm với xã hội bằng việc đồng hành cùng ngành đi phát khẩu trang y tế cho du khách, phun thuốc khử trùng ở những điểm đến... Ở vào thời điểm khó khăn này, DN cũng cần có những sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước về chính sách thuế và truyền thông để khắc phục hậu quả của đại dịch.
Xin cảm ơn ông!

"Thực tế, khi công ty DL muốn phát triển lâu dài, rất cần phải có chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh để theo đuổi. Sứ mệnh của công ty chỉ có vài từ khóa ngắn gọn nhưng chuyển tải được thông điệp mà DN muốn chuyển tới khách hàng. Và khi đó, khách hàng sẽ đánh giá trên chính sự phục cụ của HDV và nhân viên theo đoàn. " - PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội