Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ứng xử văn hóa với Hồ Gươm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đề xuất đặt biểu tượng phim “Kong” tại Hồ Gươm không thành, dư luận lại xôn xao trước ý tưởng đặt biểu tượng rùa vàng.

Ý kiến đồng tình thì ít, phản đối thì nhiều. Sau tất cả những đề xuất không thành, nhiều người đang đặt câu hỏi: Cần ứng xử thế nào với không gian văn hóa quanh Hồ Gươm?

“Bỏ còn chưa được, thêm vào làm sao”

Mới đây, ông Tạ Hồng Quân - tác giả đề án tượng rùa vàng Hồ Gươm một lần nữa gửi lên UBND TP Hà Nội đề xuất đúc tượng đồng nguyên chất mạ vàng, dài 2,5m, cao 3,5m, nặng khoảng 6 - 10 tấn, hình rùa để đặt tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Thái Tổ. Kinh phí đúc tượng được huy động xã hội hóa. Theo ông Quân, năm 2011, ông từng gửi đề án đúc tượng rùa vàng đến UBND TP Hà Nội, song chưa được cơ quan chức năng TP trả lời. Cuối năm 2016, ông lần nữa gửi kiến nghị này đến Chủ tịch UBND TP. “Hiện tại, Việt Nam thiếu một biểu tượng nhận diện mang đậm bản sắc dân tộc, trong khi nhiều nước có, như Pháp với tháp Eiffel, Mỹ có tượng nữ thần tự do” - ông Quân chia sẻ. Đồng thời cho biết, nếu đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì nhóm thực hiện sẽ tổ chức cuộc thi tạo biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm.

Đề án tượng rùa vàng Hồ Gươm được đề xuất đặt  tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng. Ảnh:  Thanh Hải

Trong khi đó, KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch KTS Hà Nội cho rằng: “Không nên suy nghĩ truyền thuyết vua Lê Lợi gắn với rùa Hồ Gươm là phải đặt biểu tượng rùa vàng ở đó. Cũng đừng nghĩ Pháp có tháp Eiffel, Mỹ có tượng nữ thần tự do là Hà Nội phải có biểu tượng rùa vàng. Đó là cách nghĩ thiển cận. Bởi vì, biểu tượng Tháp rùa tại Hồ Gươm đã giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra ở trên”. Đồng quan điểm, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, truyền thuyết vốn đẹp, phủ lên nó là lớp sương mờ ảo, vì thế cụ thể hóa sự tồn tại của loài rùa sống dưới đáy hồ bằng một bức tượng rất to là không hợp lý. Bên cạnh đó, phía Tây của hồ đã có tượng vua Lê chỉ tay xuống hồ là hình ảnh gợi lại truyền thuyết về truyền thống chống giặc ngoại xâm và bài học về chữ tín. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hậu Yên Thế cũng bày tỏ: “Không gian xung quanh Hồ Gươm rất nhỏ, đang rối rắm. Bức phù điêu Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh muốn di dời còn chưa xong, giờ thêm biểu tượng vào làm sao được, chật chội lắm!” .

Cần sự tinh khiết

Các KTS nhiệt huyết với Hà Nội đặc biệt ủng hộ giữ vẻ đẹp cổ kính, vốn có của Hồ Gươm. KTS Lê Văn Lân nhấn mạnh: “Hồ Gươm cần sự tinh khiết”. Chính vì vậy, ngược lại với thái độ phản đối đặt mô hình, biểu tượng quanh Hồ Gươm, các chuyên gia ủng hộ những ý tưởng dựng mô hình tàu điện trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục do các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) thực hiện. Ngoài tàu điện, một kiến trúc cũ của Hồ Gươm cũng được phục dựng lại là cột đồng hồ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Theo thiết kế, cột đồng hồ mới sẽ được kết hợp cùng vị trí của đài phun nước. Đồng thời, không gian tại khu vực này cũng được cải tạo, chỉnh trang và lên phương án chiếu sáng để kết hợp cùng các kiến trúc cạnh đó tạo thành một quần thể hài hòa. Cho dù ý tưởng này vẫn đang trong quá trình xin ý kiến, nhưng cũng nhận được nhiều quan điểm đồng tình.

Nói đến những tiến bộ trong việc tạo nên không gian văn hóa quanh Hồ Gươm hiện nay, KTS Hoàng Thúc Hào nhắc nhiều đến không gian đi bộ vào những ngày cuối tuần. “Có rất nhiều khó khăn được nhìn thấy khi thành lập tuyến phố đi bộ tại đây. Phần nào, hai phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội năm 2004 là Hàng Ngang và Hàng Đào cũng không thành công như dự kiến và gây ảnh hưởng tâm lý cho những kế hoạch sau này”. Thế nhưng, sau 6 tháng thử nghiệm, nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử có thể khẳng định sớm hay muộn, không gian quanh Hồ Gươm sẽ phải trở thành phố đi bộ vĩnh viễn, để tương xứng với vai trò điểm nhấn văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

“So với 20 năm trước, điều kiện kinh tế cũng như nhận thức của cộng đồng tại Hà Nội đã thuận lợi hơn rất nhiều cho việc duy trì một không gian văn hóa đúng nghĩa quanh Hồ Gươm” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh. Và đó chính là những lợi thế để tạo ra một không gian đúng nghĩa của một địa danh gắn với nét văn hóa lịch sử 1000 năm.

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, đến nay, Sở chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ TP cho những đề xuất trong đề án này nên cũng không muốn bày tỏ quan điểm. Ông Động thông tin thêm, 2 tiêu bản của rùa Hồ Gươm đã hoàn thành và trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.