Ứng xử với văn hóa đọc

Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi còn nhớ câu chuyện của một nhà văn, sau bao vất vả, cuối cùng cuốn truyện ngắn đầu tay cũng đã xuất bản.

Mừng quá, ông dành một phần nhuận bút để mua sách của chính mình, rồi nắn nót đề vào từng cuốn tặng những người bạn mà ông trân trọng.

Độc giả tham khảo những tác phẩm tại Hội chợ sách Hà Nội.    Ảnh: Thanh Hải

Nhiều người hiểu ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước, in một tập sách không đơn giản, không phải cứ bỏ tiền ra là in bao nhiêu, lúc nào cũng được như bây giờ. Với số tiền nhuận bút, tác giả có thể mua được cả mảnh đất, một căn nhà, chứ không phải chỉ một hai chầu bia hay cà phê là hết veo như nhiều người than vãn bây giờ.
Một vài năm sau đó, nhà văn đi ra hiệu sách cũ tìm mua những cuốn sách ông cần. Bất ngờ ông gặp lại chính tập truyện ngắn của mình năm xưa. Dòng đề tặng vẫn còn đó, thậm chí, còn nhiều trang kẹp đôi chưa được rạch ra. Sau giây phút nghĩ suy, ông bèn mua lại cuốn sách đó và bên dưới dòng đề tặng trước, ông nắn nót viết một dòng đề tặng mới, rồi gửi đến chính địa chỉ cũ.
Câu chuyện này tạo ra những phản ứng khác nhau. Một số cho rằng nhà văn cố chấp khi người ta không trân trọng mình, thì đó là hành động trả thù tế nhị nhất. Một số lại tán thành bằng một cách hóm hỉnh, sâu sắc, nhà văn khiến mọi người suy ngẫm về một khái niệm mà hiện nay đang rất phổ biến: “Văn hóa đọc”. Văn hóa đọc chính là cách người ta ứng xử với sách, người viết sách và cách đọc sách.
Tôi rất thích thư viện, bởi nó có vẻ đẹp riêng của một chốn lưu giữ tri thức nhân loại, nơi mà sự ồn ào của phố xá lùi xa, chỉ còn sự yên tĩnh của không gian và thời gian. Hẳn có một thế hệ người Hà Nội không bao giờ quên được những tháng năm tuổi trẻ của mình gắn bó với những thư viện rợp bóng cây và sự tĩnh lặng trong phòng đọc, mà ở đó, âm thanh chỉ có tiếng sột soạt của những cuốn sách được lật sang trang. Hà Nội đương nhiên tập trung những thư viện lớn và sang trọng với hệ thống sách phong phú, đa dạng. Một nhà văn Hà Nội cho tôi biết: Có thời, tấm thẻ thư viện chứng minh một người có coi trọng việc đọc sách hay không, có phải trí thức hay không. Có những nhà văn, để viết một cuốn về lịch sử hay tôn giáo, về một vấn đề thời đại nào đó, đã từng “nghiền nát mọi cuốn sách ở thư viện Hà Nội, thư viện Quốc gia”. Có câu “cuốn sách gối đầu giường”, chỉ việc một ai đó yêu thích cuốn sách nào đó. Không chỉ một người thích đặc biệt một vài cuốn sách, mà còn là việc đọc sách rất được coi trọng. Nó không chỉ là một thú giải trí, mà còn là cách người ta tiếp nhận tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn.
Ngày nay, cụm từ “cuốn sách gối đầu giường” đã trở nên xa lạ. Một phần đã có quá nhiều kênh tiếp nhận tri thức, một phần người ta ít đọc qua sách giấy xuất bản thông thường. Một phần nữa, sách đã trở nên quá phổ biến, việc xuất bản cũng trở nên dễ dãi, cùng với sự dễ dãi của hệ thống xuất bản phẩm, kéo theo sự dễ dãi trong nội dung sách, việc chọn lọc sách hay, sách thực sự đáng đọc đã không còn dễ dàng và được trân trọng.
Cách người ta ứng xử với sách cho thấy người ta coi văn hóa đọc như thế nào. Người ta đang kêu gọi phục hồi văn hóa đọc - phục hồi, nghĩa là văn hóa đọc đã xuống cấp. Có thể chỉ là một nhận định phiến diện, thế nhưng, nó lại là một thực tế. Chính vì thế, hằng năm, vào dịp tháng Tư, cả nước lại rộn ràng những hoạt động về sách và hội sách. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc trau dồi kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, tôn vinh giá trị của sách.
Tôi không muốn việc đọc sách trở thành “phong trào”, bởi ồn ào và ít chất lượng. Chạy theo phong trào sẽ sản sinh một kiểu đọc lấy được, một kiểu trưng sách cho sang mà không bao giờ lật một trang sách để đọc. Tôi muốn sách, bằng một cách tự nhiên, và mỗi người, bằng một cách tự nhiên đón nhận sách để trở thành một phần đời sống. Như tôi đã từng gặp Nguyễn Hồng Tâm - một nữ sinh trường Chu Văn An trong một cuộc họp báo về Ngày sách Việt Nam. Cô gái trẻ này khiến nhiều người quan tâm khi đã đọc 1.000 cuốn sách một năm. Mặc dù cô thanh minh rằng con số 1.000 cuốn một năm là hơi phóng đại, nhưng người ta vẫn coi cô là một trường hợp đặc biệt. Tâm chia sẻ về ước mơ xây dựng một thư viện cafe sách lớn nhất Việt Nam. So với số đông, ước mơ của cô không quá lớn lao, nhưng vô cùng lấp lánh. Tôi hy vọng Hồng Tâm vẫn theo đuổi ước mơ, và một ngày kia sẽ trở thành hiện thực.
Tôi rất thích đến thăm nơi ở của những nhà văn hóa, những nghệ sĩ Hà Nội. Ngôi nhà của họ thường yên tĩnh trong những góc phố yên tĩnh. Họ thường dành những góc trang trọng, tĩnh lặng cho những giá sách của mình, như một thư viện nhỏ. Ở đó, có những cuốn sách thời đại, kể những câu chuyện ngàn năm… Ấy là cách ứng xử đầy trân trọng dành cho văn hóa đọc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần