Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

USD ngập ngừng về ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ 11/3, Eximbank đã hạ lãi suất tiết kiệm USD mức cao nhất từ 5,5% một năm xuống còn 5,35% cho kỳ hạn 12 tháng. Với các kỳ hạn ngắn như 3-6 tháng, lãi suất chỉ 5,1-5,2%.

KTĐT - Kể từ 11/3, Eximbank đã hạ lãi suất tiết kiệm USD mức cao nhất từ 5,5% một năm xuống còn 5,35% cho kỳ hạn 12 tháng. Với các kỳ hạn ngắn như 3-6 tháng, lãi suất chỉ 5,1-5,2%.

Một số ngân hàng ghi nhận nguồn cung ngoại tệ có dấu hiệu dồi dào hơn kể từ khi thị trường tự do ngừng hoạt động, tuy nhiên lượng chảy vào ngân hàng qua kênh tiền gửi tiết kiệm hoặc thu mua chưa tăng như kỳ vọng.

Phòng giao dịch tại quận Tây Hồ (Hà Nội) của một ngân hàng cổ phần quy mô vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng cho biết lượng tiền gửi ngoại tệ đang tăng mạnh kể từ khi thị trường tự do ngừng hoạt động. Khách hàng chủ yếu chọn kỳ hạn 3-6 tháng để gửi. Nơi đây đang huy động đôla với lãi suất cao nhất tới 5,7% một năm tùy kỳ hạn.

Kể từ 11/3, Eximbank đã hạ lãi suất tiết kiệm USD mức cao nhất từ 5,5% một năm xuống còn 5,35% cho kỳ hạn 12 tháng. Với các kỳ hạn ngắn như 3-6 tháng, lãi suất chỉ 5,1-5,2%. Nguồn tin từ nhà băng này cho biết, trong những ngày gần đây, huy động vốn ngoại tệ từ dân cư bỗng tăng mạnh trong khi nhu cầu vay vốn USD chưa lên tương ứng nên phải giảm bớt mức lãi suất huy động để cân bằng.

Trong khi đó, lãi suất đôla tại một vài ngân hàng cổ phần nhỏ vẫn ở mức cao. Sau khi một số nhà băng đã hạ lãi suất huy động đôla từ trên 6% một năm xuống 5,5%, một nhà băng cổ phần vẫn để kỳ hạn 13 tháng là 6,35% một năm, kỳ hạn 1 tháng là 5,4%.

Theo phân tích của ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), về lý thuyết, khi thị trường tự do ngừng giao dịch, nếu các chính sách của nhà nước khiến người dân tin tưởng vào giá trị của đồng nội tệ cũng như sự ổn định vĩ mô, người dân có tiền nhàn rỗi sẽ có tâm lý gửi vào ngân hàng cho an toàn hoặc bán ra lấy tiền đồng gửi tiết kiệm hưởng lãi. Lượng ngoại tệ trôi nổi nếu không thể phục vụ cho mục đích lướt sóng, cũng có thể chảy vào ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng ghi nhận lượng tiền gửi tiết kiệm tăng lên. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho biết, nguồn USD gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng tại thời điểm này không có gì thay đổi so với trước, mặc dù nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tương đối dồi dào hơn trước.

Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á cũng xác nhận hiện tại vẫn chưa thấy có gì đột biến trong việc huy động USD. "Các phòng giao dịch trên địa bàn vẫn chưa có báo cáo nào về việc người dân gửi USD vào ngân hàng nhiều hơn trước", ông Hưng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng cho hay, nguồn huy động USD trong mấy ngày nay không có gì thay đổi so với trước đó. Ngoài ra, nguồn USD của người dân mang đến bán cũng chưa tăng bao nhiêu.

Một vị lãnh đạo khác của một ngân hàng cổ phần tại TP HCM nhận xét, có lẽ người dân vẫn đang án binh bất động chờ động thái rõ ràng hơn của cơ quan chức năng sau đó mới hành động. "Do đó, họ vẫn chưa muốn gửi tiết kiệm hay bán mạnh ra trong lúc này", ông nói thêm.

Trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng giao dịch nguồn vốn với nhau, cung ngoại tệ chưa tăng nhiều. Tuy nhiên giá bắt đầu có xu hướng giảm. Sáng qua, có lúc giao dịch được chốt giá dưới 21.000 đồng, còn 20.920 đồng đổi một đôla.

"Với mức giá như vậy, người mua người bán đã có thể gặp nhau. Thậm chí nhiều người đang lo giá sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới", lãnh đạo một ngân hàng tham gia thị trường này nhận xét. Ông này phỏng đoán, nhiều khả năng trong tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản siết đối tượng cho vay ngoại tệ. Khi đó, tín dụng ngoại tệ không thể tăng mạnh hơn nữa, ngân hàng có thể phải hạ lãi suất huy động.

Trước việc nguồn cung chưa được cải thiện nhiều, nhu cầu mua USD của người dân đi công tác, du lịch cũng chỉ giải quyết được phần nào. Theo ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Việt Á, hiện nguồn thu USD của Việt Á chưa nhiều nên cũng chỉ giải quyết được cho vài trường hợp mua USD cá nhân là khách hàng quen biết.

Sau mấy ngày đóng băng, đến chiều nay các tiệm vàng chuyên bán đôla tại TP HCM cũng như Hà Nội vẫn chưa hoạt động trở lại. "Giờ cơ quan chức năng làm gắt quá, chúng tôi thực sự không dám liều. Lỡ may bị bắt, không chỉ bị phạt hành chính mà còn có thể bị tịch thu tiền USD thì khổ", chủ hiệu vàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM nói.

Cá biệt một số điểm thu đổi vẫn hoạt động mua bán với khách quen thông qua hình thức gọi điện và trao đổi tại nhà. Anh Quân, nhà Bình Thạnh cho biết, cuối tuần tới anh có chuyến công tác qua Singapore và cần 1.000 USD. Anh có đến ngân hàng hỏi nhưng được các nhân viên yêu cầu đủ thứ giấy tờ nào là nếu đi du lịch phải có vé máy bay, nếu đi công tác thì cần tờ công văn cử đi công tác của cơ quan chủ quản...rồi tới đây ngân hàng sẽ bán. Về định mức, anh sẽ được mua các loại ngoại tệ khác (euro, yên Nhật, bạt Thái…) tương đương 3.000 USD. Còn nếu mua USD chỉ được mua đúng 100 USD. Anh quyết định chạy ra các hiệu vàng hỏi mua thì bị từ chối bán với lý do ngưng giao dịch.

"Đường cùng, tôi đành nhờ anh bạn hay mua bán USD với một tiệm vàng mua giúp. Anh ta gọi điện tới và được chủ hiệu cho người mang 1.000 USD tới tận nhà giao với giá 21.400 đồng", anh Quân kể.

Trong kế hoạch xóa các điểm kinh doanh ngoại tệ trái phép, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cũng cung cấp danh sách các đại lý thu đổi ngoại tệ cho phía công an. Hiện cả nước chỉ có 300 điểm được cấp phép làm đại lý thu đổi ngoại tệ cho ngân hàng. Các điểm này chỉ được phép mua ngoại tệ rối bán cho ngân hàng, chứ không được phép bán ngoại tệ cho khách.

Theo quy định hiện hành, người dân có ngoại tệ mặt có thể tự cất trữ hoặc đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Nếu muốn bán, người dân phải đem bán cho các ngân hàng và đại lý được phép hoạt động ngoại hối và không phải chứng minh nguồn gốc tiền.