Phối hợp liên ngành “chặn” dạy thêm, học thêm
Thông thường, các trường tiểu học vẫn tổ chức ôn tập hè từ giữa tháng 7, đầu tháng 8 cho những HS có nhu cầu. Nhưng năm nay, với quy định mới của TP về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT), khối tiểu học không được phép DTHT kể cả ngày nghỉ. Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, các quận, huyện đều triển khai tích cực việc quản lý DTHT, nhưng vẫn còn một số giáo viên tiểu học chưa ý thức, chưa thay đổi và đáng nói là việc dạy thêm không chỉ diễn ra trong các trường nội thành mà cả ngoại thành. "Cần làm triệt để hơn nữa với tình trạng DTHT, đặc biệt là dạy thêm trước chương trình lớp 1. Việc dạy trước dẫn đến nhiều hệ lụy tới sức khoẻ, tâm lý của trẻ" - ông Tiến nhấn mạnh.
Đống Đa là một trong những quận thực hiện khá quyết liệt việc quản lý DTHT. Ông Tạ Ngọc Thắng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết, 100% giáo viên phải ký cam kết không DTHT trước khi năm học mới bắt đầu: "Đây là căn cứ pháp lý để xử lý nếu giáo viên hay nhà trường vi phạm". Cũng theo ông Thắng, vấn đề gây khó khăn cho việc quản lý là nếu như quận làm quá gắt, giáo viên sẽ chuyển sang địa bàn quận khác để dạy thêm. Do vậy, cần chỉ đạo triển khai đồng loạt ở các quận, huyện, có sự phối hợp đồng bộ các cấp với địa phương, cấp phường. "Nếu phường, xã vào cuộc thì dù lớp DTHT có "kín, sâu" đến đâu vẫn có thể xử lý được. Ngoài ra, cần có sự kết hợp liên phòng GD&ĐT, thiết lập đường dây nóng để phản ánh DTHT, làm nghiêm túc, không khó để ngăn chặn việc này" - ông Thắng quả quyết.
Ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho lớp 1
Trước thềm năm học mới này, ông Tiến cho biết, ngành giáo dục Hà Nội đang tiếp tục tập trung chỉ đạo dạy - học và tổ chức các hoạt động đối với HS lớp 1. Từ 2 năm nay, các trường đều ưu tiên cao nhất với khối 1, như vậy trong vòng 3 năm nữa, chất lượng tiểu học sẽ được nâng lên toàn bộ từ gốc.
Việc ưu tiên cho HS lớp 1 đã được thực hiện rõ nét ở các địa phương. Điển hình là ở huyện Đan Phượng, bà Bùi Thị Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, huyện kiên quyết đảm bảo sĩ số thấp đối với lớp 1, với mức bình quân 34 HS/lớp, không để xảy ra tình trạng quá tải: "Chúng tôi có nguyên tắc lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 rõ ràng, căn cứ 5 tiêu chí: Trách nhiệm, tâm huyết, kinh nghiệm, tuổi đời - tuổi nghề, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, phải phát âm chuẩn vì tại nhiều trường vẫn còn giáo viên phát âm không chuẩn âm n, l". Đi cùng với tiêu chuẩn cao, các trường của huyện cũng cố gắng quan tâm hơn đến chế độ chính sách với giáo viên lớp 1 như tăng tiền bồi dưỡng dạy buổi hai. 100% giáo viên lớp 1 được bố trí dự chuyên đề, tăng cường dự giờ thăm lớp, bổ sung kỹ năng tránh gây tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý HS, do các em lớp 1 còn nhỏ, tăng cường đánh giá nhận xét, không cho điểm, để nâng cao kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tự phục vụ của HS. “Năm học mới, huyện Đan Phượng đã rà soát, bổ sung 800 bộ bàn ghế cho HS lớp 1 và hệ thống chiếu sáng học đường” - bà Hằng cho biết thêm.
Việc giảm tải cho HS tiểu học năm học 2013 - 2014 không chỉ là "chặn" DTHT, ưu tiên cho lớp 1, mà Sở GD&ĐT đã đặt ra các yêu cầu cụ thể: Những lớp học 1 buổi/ngày, không nên giao quá nhiều bài tập về nhà; những lớp học 2 buổi/ngày không yêu cầu HS làm thêm bài tập ở nhà. Ngoài ra, các trường sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, giáo viên phối hợp với cha mẹ HS để hướng dẫn việc sử dụng sách, vở, đồ dùng học tập để HS không phải mang nhiều sách, vở khi đến trường…
Cô và trò trường Tiểu học Lý Thái Tổ trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh:Ngọc Văn
|
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2013 - 2014, toàn quốc có hơn 18 triệu HS mầm non và phổ thông bước vào năm học mới. Tổng số giáo viên đang công tác tại các trường là hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, cả nước còn thiếu khoảng 27.000 giáo viên. Quy mô trường, lớp tiếp tục tăng với hơn 42.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Tại Hà Nội, số HS tiểu học năm học 2013 - 2014 khoảng 450.000 em, trong đó, số HS vào lớp 1 là 125.000 em, tăng 11.000 HS so với năm học 2012 - 2013. |