Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên đào tạo nhân lực trình độ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức khởi động. Để không bị thua trên sân nhà, Hà Nội đang và sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo thống kê qua 54 phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội năm 2014, tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động tại các phiên giao dịch đạt bình quân gần 25%. Nếu phân theo trình độ, tỷ lệ kết nối thành công đối với lao động có trình độ đại học chiếm 28,54%, trình độ cao đẳng chiếm 31,4%, trình độ trung cấp, chứng nhận kỹ thuật chiếm 26,9%, lao động phổ thông chiếm 13,16%... Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, tỷ lệ kết nối cung – cầu như vậy là tương đối thấp, người xin việc chủ yếu là học sinh, sinh viên mới ra trường, hoặc lao động chưa qua đào tạo nên thiếu kinh nghiệm, không đáp ứng được yêu cầu của DN.

Để giải quyết vấn đề này, Ông Khuất Văn Thành – Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết: “Ngành đang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu về thị trường lao động và đẩy mạnh kết nối với các cơ sở đào tạo, DN cũng như các địa phương khác. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra những dự báo tốt giúp việc đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường phát triển, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Điều này cũng sẽ giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo của mình”. Ông Phong cho biết thêm, Hà Nội sẽ nâng cao tỷ lệ kết nối cung - cầu ở các phiên giao dịch việc làm bằng cách tuyên truyền, thông tin rộng rãi các số liệu liên quan đến thị trường lao động, nhất là nhu cầu tuyển dụng, xu hướng phát triển của các ngành, nghề. Đơn cử như nhu cầu nhân lực ngành tư vấn và kiến trúc, thiết kế nội thất năm 2015 sẽ tăng cao khi hàng loạt dự án nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội mới bàn giao đưa vào sử dụng.

Mặt khác, cuối năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức khởi động, 8 ngành nghề lao động trong khu vực sẽ được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra thách thức đối với thị trường lao động Hà Nội, nơi tập trung nhiều nhân lực chất lượng cao. Do đó, ông Thành cho biết, ngoài đào tạo chuyên môn, các trường nghề của Hà Nội sẽ tăng cường các chương trình bổ trợ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để nâng cao sức cạnh tranh với thị trường lao động ASEAN. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tuyển nhân lực chất lượng cao của các DN trên địa bàn Thủ đô và cả nước.