Điểm nghẽn dai dẳng
Nhìn nhận về thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, các ĐBQH cho rằng, nợ xấu và hàng tồn kho là những "điểm nghẽn" của nền kinh tế và tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Chính phủ cần tập trung sức lực và trí tuệ, đánh giá đúng hơn về vấn đề này. ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,2% trong năm 2012 là khó khả thi, vì tốc độ tăng trưởng quý IV phải đạt 5,6 - 5,7% trở lên, nhưng đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi, số doanh nghiệp (DN) giải thể vẫn tăng.
ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần giải quyết nợ xấu và thanh lọc toàn bộ các ngân hàng yếu kém, tạo niềm tin của người dân, DN.Nhiều đại biểu có chung nhận định, giảm nợ xấu như mục tiêu đề ra là rất khó nếu không có giải pháp quyết liệt và không thể nói chung chung rồi dùng tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu. Cho rằng Chính phủ chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả cho việc giải quyết nợ xấu, các ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh, từ kỳ họp trước đến kỳ họp này, chưa thấy các bộ, ngành có giải pháp mang tính sáng tạo để chuyển biến tình hình, vốn vay cho DN vẫn khó; tái cơ cấu chưa thấy thực hiện.
Đại biểu Châu Thị Thu Nga phát biểu tại buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sáng 24/10.Ảnh: Minh Điền
Đưa ra một đề xuất khác, ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng, nhiều cử tri đã phản ánh về tình trạng rối loạn trong hệ thống ngân hàng, quá trình tái cấu trúc bị ảnh hưởng bởi cái bóng quá lớn của lợi ích nhóm. Dù Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp của nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay, nhưng thực tế đóng góp ngành ngân hàng trong lĩnh vực này là không nhiều. Do lợi ích nhóm mà ngân hàng rút vốn ở đây để đầu tư sang lĩnh vực khác. "Tôi đề nghị năm 2013, ngành công an nên vào cuộc giúp để "dẹp loạn" và "thay máu" trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới khá hơn được. Và ĐBQH cũng cần nói mạnh đến chuyện này hơn" - ĐB Đinh Xuân Thảo thẳng thắn.
Giải pháp phải quyết liệt và đột phá
Đa số các ĐB cho rằng, báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ vẫn chung chung, đề cập nhiều đến các nguyên nhân khách quan, không nhìn nhận đủ nguyên nhân chủ quan từ sự yếu kém trong điều hành, chỉ đạo đến thực hiện chính sách. Hơn nữa, ngoài nội dung người đứng đầu Chính phủ nhận khuyết điểm, báo cáo không có gì mới, nhiều giải pháp đưa ra chưa đáp ứng được tình hình và yêu cầu của cử tri cả nước. Tính xác thực của những con số đưa ra trong báo cáo cũng được các ĐB đặt câu hỏi. ĐB Đinh Xuân Thảo nhìn nhận: Có nhiều con số chỉ tiêu đặt ra bao nhiêu đạt được đúng bằng ấy, đó là điều không tưởng. Cùng với đó, một số con số được tính dựa trên công thức thay vì thống kê thực như lao động, việc làm. Nếu ĐBQH không được cung cấp những thông tin đúng thì làm sao mà đưa ra những quyết định chính xác được.
ĐB Trần Hoàng Ngân khuyến cáo: “Mặc dù tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng Chính phủ không nên xem đó là dấu hiệu của phục hồi vì số DN bị giải thể đã lên tới 40.000. Tôi bất ngờ vì Thủ tướng nhận khuyết điểm, nhưng các báo cáo của Chính phủ thiếu sự nhất quán, đồng nhất, thông tin từ cấp dưới lên cấp trên chưa đầy đủ”. ĐB Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế nền kinh tế 9 tháng đầu năm còn trầm trọng hơn nhiều so với báo cáo. Ông Quang đề nghị, giải pháp hỗ trợ DN của Chính phủ phải cụ thể hóa bằng chính sách giảm thuế để DN có liều thuốc hồi sinh, tự tin bước vào năm 2013. Cùng quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông dân, vì đó là chỗ tựa vững chắc cho nền kinh tế.
Thảo luận về tái cấu trúc nền kinh tế, ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, với việc triển khai chậm như hiện nay, đến năm 2013, chúng ta vẫn chưa có bước đi rõ ràng và khó tạo tính đột phá. Trong khi đó, ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề nghị, tái cơ cấu nền kinh tế cần làm khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả hơn. Có như vậy mới tiến tới làm cho các nguồn lực hiện có được sử dụng hiệu quả, đưa nền kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững và có sức cạnh tranh tốt.
Cắt giảm chi không cần thiết để tăng lương
Liên quan đến các vấn đề xã hội, nhiều ĐB bày tỏ lo lắng trước tình trạng mất ATVSTP hiện nay, như sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản thực phẩm diễn ra tràn lan mà cơ quan quản lý chưa có biện pháp ngăn chặn. ĐB Nguyễn Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nhận định, nguyên nhân của thực trạng này là công tác kiểm tra giám sát chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa đầy đủ. Do đó, ngay những vấn đề đã đề cập rất nhiều như ATVSTP quy trách nhiệm lại không rõ ràng, chỉ có người dân chịu hậu quả. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng: Cứ hô hào dùng hàng Việt Nam, nhưng chất lượng lại quá kém.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cân đối các nguồn lực để bảo đảm việc tăng lương trong năm 2013, nếu chưa đủ điều kiện tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương thì nên ưu tiên tăng cho người nghỉ hưu, đối tượng chính sách; kiểm soát giá chặt chẽ để không biến động giá. Nên cải cách tiền lương sớm, và tách bạch tiền lương khối hành chính với khối DN. Làm sao để DN phải cải tiến tiền lương nhiều hơn nữa. Bởi lương thấp sẽ kéo những vấn đề khác xuống theo.
Đề nghị cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tăng lương, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, chính sự phân bổ chồng chéo, theo những địa chỉ có sẵn là nguyên nhân dẫn đến việc không có nguồn lực tăng lương.
Kết thúc buổi thảo luận tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: Tình hình kinh tế năm 2012 cũng như sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn. Giải pháp và biện pháp báo cáo của Chính phủ đưa ra vẫn theo nếp cũ, đặt vấn đề dàn trải, chưa có đột phá. Dù vẫn ghi nhận cố gắng của Chính phủ, nhưng tính vững chắc và chất lượng của mỗi chỉ tiêu và toàn bộ tình hình còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Ông Phạm Quang Nghị mong muốn qua thảo luận, những vấn đề ĐBQH gửi gắm sẽ được truyền tải tới Chính phủ, mong muốn Chính phủ lắng nghe hơn nữa, để trên cơ sở trí tuệ của ĐBQH tìm ra biện pháp xác thực hơn, chuyển biến tình hình hơn trong thời gian tới.
Dự trữ quốc gia không nên chỉ dựa vào ngân sách Thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia tại phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 24/10, đa số các đại biểu cho rằng, so với Pháp lệnh hiện hành, dự luật đã cụ thể hóa, bổ sung nhiều nội dung, với mục tiêu: "Đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước". Luật quy định ngân sách Nhà nước chi cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định trên, cần quy định cụ thể trong Luật về chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. |