Hàng thuần Việt vẫn khó tiêu thụ
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: DN mắm Bà Giáo Khoẻ 55555 đã phải đưa sản phẩm của mình ra khỏi siêu thị do thu không đủ chi phí, nguyên nhân là do không có tiền thuê vị trí đẹp trên quầy kệ tại các siêu thị. Trong khi đó, hàng của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam do liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nên được siêu thị ưu tiên bán, điều này khiến hàng thuần Việt không có chỗ đứng trong hệ thống phân phối hiện đại.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), nhiều DN sản xuất hàng Việt thường không chú trọng đến khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào hoặc nếu có cũng không sử dụng được vì giá cao nên chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Một số mặt hàng sau vài đợt khuyến mãi chất lượng giảm dần. Ngoài ra, DN cũng không chủ động giữ giá cho sản phẩm nên giá bán thường thay đổi theo chiều hướng tăng, nhất là khi hàng được tiêu thụ mạnh. Điều này gây phản cảm cho người tiêu dùng.
Không chỉ có vậy, hiện hệ thống bán lẻ tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa vừa thiếu lại vừa yếu nên người tiêu dùng dù rất thích hàng Việt nhưng cũng không biết tìm mua ở đâu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ có 34% người tiêu dùng mua dụng cụ học tập do DN trong nước sản xuất; Hàng điện, điện tử, điện lạnh chỉ có 26% người tiêu dùng sử dụng.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng Việt tại hội chợ khuyến mại. Ảnh: Hoài Nam
Khuyến khích doanh nghiệp liên kết
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, phải xây dựng được cơ chế hỗ trợ DN trong phát triển thị trường nội địa. Đó là ý kiến của nhiều đơn vị, nhà quản lý khi bàn thảo các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bà Vũ Thị Hậu cho rằng: Muốn kích thích DN phát triển hệ thống phân phối ngoài vấn đề thuế, phí, những hỗ trợ về mặt bằng cũng là điều kiện quan trọng để phát triển hệ thống phân phối. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản.
Thực tế, hoạt động bán lẻ cho thấy, hiện một lượng lớn hàng Việt được tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Song, hệ thống bán lẻ này lại đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc kêu gọi DN tham gia đầu tư lại gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ các DN phát triển mạng lưới chợ truyền thống, để đây trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng Việt ở khu vực nông thôn; Có cơ chế khuyến khích các thương nhân hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh và tổng hợp phát triển.
Nhằm gỡ khó cho hàng sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án nhằm phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức, quản lý phân phối hàng Việt trong nước… từ đó giúp DN và hàng Việt tiếp cận sâu rộng tới người tiêu dùng. Đề án cũng kiến nghị Nhà nước ưu tiên phát triển thị trường trung và dài hạn cho thị trường nội địa; khuyến khích vận động các cơ quan Nhà nước ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm công.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng hơn cả là bản thân các DN sản xuất và phân phối cần có sự kết nối chặt chẽ, từ đó cùng hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng Việt tại thị trường nội địa.