Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu tiên xây dựng trường học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo công tác đầu tư xây dựng công trình trường học, hạ tầng xã hội thiết yếu của Sở TN&MT, Sở đã và đang thu hồi đất với tổng diện tích 827 ha của 35 tổ chức.

Trong đó có 3 dự án đã giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học. Đối với 32 vị trí đất còn lại, Sở TN&MT đề xuất, trường hợp khu đất phù hợp với quy hoạch xây dựng trường học, các quận, huyện, thị xã liên hệ Sở KH&ĐT để báo UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương lập và thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Ưu tiên xây dựng trường học - Ảnh 1

Khu đất 229 Tây Sơn được bàn giao để xây dựng trường mầm non công lập.Ảnh: Đức Giang
Nhu cầu lớn nhưng báo cáo chậm

Mặc dù Sở TN&MT đã 2 lần có công văn đề nghị và đôn đốc các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất phương án xây dựng trường học công lập, tuy nhiên sau gần nửa năm, đến tháng 6/2013, mới chỉ có 9 trong tổng số 29 quận, huyện, thị xã có báo cáo.

Theo kết quả rà soát của các địa phương đã có báo cáo, không chỉ các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Đông mà ngay cả các huyện như Thanh Oai, Ba Vì, Quốc Oai, Mê Linh, Đan Phượng, cũng cần phải bổ sung quỹ đất làm trường học công lập. Trong tổng số 9 quận, huyện đã có báo cáo về quỹ đất xây dựng trường học, huyện Thanh trì không có nhu cầu bổ sung thêm trường học công lập. Riêng quận Tây Hồ đã đề xuất 10 địa điểm xây trường, mở rộng trường công lập. Phần lớn đây là các khu đất bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Theo đó, quận Tây Hồ đề xuất thu hồi hơn 5.000m2 đất của Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đang quản lý để xây dựng trường mần non Yên Phụ cơ sở 2 và mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An.Quận Hoàn Kiếm đề xuất 7 địa điểm xây trường, trong đó có đề nghị UBND TP bổ sung quỹ đất cho quận tại một số địa điểm để xây mới một số trường mầm non công lập và THCS. Đơn cử như diện tích 1.800m2 tại phố Hàng Khoai để xây dựng trường THCS; diện tích 1.000m2 tại 88 Hàng Buồm để xây dựng trường tiểu học công lập; kiến nghị thu hồi một số diện tích đất do Công ty Dệt kim Thăng Long, NXB Hà Nội quản lý, sử dụng… Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị TP thu hồi diện tích 110m2 đất tại số 49 Phan Bội Châu là Nhà khách Sơn La thuê của Nhà nước đã hết hạn hợp đồng, để mở rộng trường mầm non Sao Mai, hiện học sinh của trường này đang phải học tại 4 địa điểm lẻ. 

Xóa phường “trắng” trường mầm non công lập

Để thực hiện việc xây dựng 8 trường mầm non công lập tại các phường còn "trắng" trường mầm non công lập trên địa bàn hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sở TN&MT cho biết, đã thu hồi đất của Công ty Phát triển Hà Nội Cali hữu hạn thuê tại số 53 phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng). Lý do thu hồi được cho là doanh nghiệp này đã vi phạm Luật Đất đai. Diện tích đất bị thu hồi được giao cho quận Hai Bà Trưng để dựng trường mầm non công lập. Diện tích đất của Công ty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội đang quản lý, sử dụng cũng đã bị thu hồi để giao cho UBND quận xây trường mầm non Lê Đại Hành. 

Ưu tiên xây dựng trường học - Ảnh 2
Trường mầm non Lê Đại Hành sẽ tiếp tục được mở rộng sau khi nhận bàn giao phần đất bị thu hồi của các dự án có vi phạm. Ảnh: Yên Chi
Trong số 8 trường mầm non công lập, Sở TN&MT đã khẩn trương giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, trình UBND TP giao đất để xây dựng 6 trường. Hai trường còn lại, UBND TP đã chấp thuận địa điểm đầu tư. Theo đó, các sở, ngành đang phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng và hồ sơ sử dụng đất để hoàn tất thủ tục giao cho quận Đống Đa xây dựng trường mầm non công lập tại hai địa điểm: Khu đất thể thao tại dự án công trình hỗn hợp và nhà ở MIPEC tower tại 229 Tây Sơn, khu đất cây xanh tại khu nhà ở 102 Trường Chinh. 

Bên cạnh đó, về quỹ đất xây dựng trường học tại các khu đô thị, khu nhà ở, Sở TN&MT đã giao Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất kiểm tra, rà soát các quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội tại các dự án. Kết quả kiểm tra giai đoạn 1 cho thấy, có 14 dự án khu đô thị, khu nhà ở phải bàn giao cho TP 31 trường học các cấp với diện tích 20,55ha.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, nhu cầu quỹ đất để xây dựng hạ tầng cho giáo dục rất lớn. Nếu xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thì Hà Nội đang thiếu 7 triệu m² đất xây trường, riêng hệ mầm non thiếu 2,3 triệu m², bậc tiểu học thiếu 1,9 triệu m²,  đối với bậc THCS và THPT thiếu hơn 2 triệu m².