Ngành ngân hàng lãi lớn
Ông Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, theo tính toán của Ủy ban này, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng tăng hơn 40% so với năm 2016, đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016.
Phân tích lý do giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng mạnh, ông Phước cho rằng, thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với năm 2016, chiếm 79% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.
Các hoạt động kinh doanh khác cũng đạt kết quả tương đối khả quan. Chẳng hạn, thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng khoảng 3,4 lần; thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%...
Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống khoảng 87,3% (năm 2016 là 85,6%). Tỷ lệ LDR bằng VND là 88,6%, bằng ngoại tệ là 75,8%.
Ngoài ra, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng giam nhẹ, ước khoảng 31,2% (cuối năm 2016 là 34,5%).
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban cũng cho biết, vẫn còn một số ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70 - 80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn gần 50%.
Do vậy, báo cáo nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù vậy, ông Phước vẫn lạc quan: "Kết quả kinh doanh thời gian tới có thể còn khả quan hơn nữa nhờ tác động của Nghị quyết 42 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và tăng thu nhập thông qua hoàn nhập dự phòng. Đồng thời, thu nhập từ nguồn thu phí hoạt động dịch vụ và hoa hồng từ bán chéo bảo hiểm cũng là nguyên nhân giúp kết quả kinh doanh của các nhà băng tốt hơn."
Nợ xấu lên tới 9,5%
Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2017 là 9,5% tổng dư nợ. Đầu năm, tỷ lệ này là 11,5%.
Dù mức này cao hơn gấp ba lần con số "dưới 3%" mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo là "nợ xấu nội bảng" nhưng theo Ủy ban giám sát, đã giảm mạnh từ con số 11,5% (cuối năm 2016).
Theo lý giải của ông Thùy, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm.
Tuy nhiên, ông Thùy cũng cho rằng, nợ xấu vẫn tập trung ở các ngân hàng yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số ngân hàng thương mại vẫn còn khá lớn.
Cũng theo Ủy ban Giám sát, năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các tổ chức tín dụng hạn chế chuyển nợ sang Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC), xử lý nợ xấu qua các hình thuwcs như bán nợ, phát mại tài sản đmả bảo, sử dựng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.
Mặc dù vậy, theo Ủy ban Giám sát, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhờ tác động Nghị quyết 42. Trong năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.
Phản biện ngay tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển Đại học Fulbright cho rằng, với con số 70.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu không phải là nhờ Nghị quyết 42 (vì Nghị quyết này mới ban hành từ tháng Tám) mà phần lớn là do các doanh nghiệp làm ăn được và đã trả nợ ngân hàng. Còn hiệu ứng của Nghị quyết 42 thì phải chờ đến năm 2018.