Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lạm phát cả năm dưới 7%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, dù tăng trưởng GDP quý 1-2013 cao hơn cùng kỳ năm 2012 nhưng tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu.

Về tiêu dùng, doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%, so với mức 5% của cùng kỳ 2012. Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giảm 4,9% so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6,8%. Thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định, nhưng tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa được cải thiện, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tính đến ngày 21-3, tín dụng chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với cuối năm 2012.
 
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Lạm phát cả năm dưới 7% - Ảnh 1
Ảnh minh họa.
 
Theo UBGSTCQG, tăng trưởng GDP của quý 1 cao hơn cùng kỳ năm 2012, tạo nền tảng ban đầu thuận lợi cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 cao hơn năm 2012. Căn cứ chuỗi số liệu từ 2001 và áp dụng phương pháp định lượng, UBGSTCQG dự báo: Với giả định xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,3%. Cùng với lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp, bình quân lạm phát quý 1 bằng khoảng 40% cả năm, lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ dưới mức 7%. “Tình hình trên tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%” - báo cáo của UBGSTCQG nhận định.

Phân tích cụ thể các nguyên nhân chính tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm 2013, UBGSTCQG cho rằng tổng cầu nền kinh tế hiện vẫn rất thấp nên áp lực lạm phát cầu kéo sẽ không lớn; yếu tố tiền tệ sẽ có những tác động nhất định với độ trễ nhưng không đáng lo ngại; yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực, năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động và đặc biệt giá gạo vẫn trong xu hướng giảm.

Do đó, những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm. Nếu giá xăng và giá điện đều tăng 20% thì lạm phát có thể tăng thêm 1,73%; nếu tỷ giá được điều chỉnh tăng 4% và sự điều chỉnh này được chuyển hết vào giá hàng nhập khẩu và giá năng lượng (điện và xăng dầu) thì lạm phát tăng thêm khoảng 2%, trong đó 1,6% tăng do tăng giá hàng nhập khẩu và 0,4% tăng do tăng giá điện và xăng.

Theo UBGSTCQG, xét về ngắn hạn thực thì chính sách ổn định tỷ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát, “tỷ giá nên điều chỉnh với một mức độ cho phép” để không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xuất khẩu về lâu dài và hạn chế đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài.