Trong phiên họp lần này, Ủy ban sẽ cho ý kiến thẩm tra về ba vấn đề: Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự thảo Pháp lệnh cảnh sát môi trường; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Tại phiên họp thẩm tra Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Ban soạn thảo chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ban thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa tờ trình, dự thảo cho phù hợp. Trong đó có hai vấn đề quan trọng đã được Ban thường vụ Quốc hội đề nghị đưa vào dự thảo là: quy định có tính nguyên tắc về việc thanh niên đến tuổi nhập ngũ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có cơ chế để thanh niên được chọn thời điểm thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó có quy định rõ hình thức xử lý nếu không thực hiện đúng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu Ban soạn thảo không tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa đầy đủ, khi trình ra Quốc hội sẽ gặp khó khăn vì còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), những vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội chủ yếu tập trung vào các nội dung: đối tượng tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ thời bình đối với học sinh, sinh viên; số lần gọi nhập ngũ trong năm; đưa quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo; độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; thời gian tại ngũ…
Dẫn chứng từ những bài học lịch sử, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng của Quân đội, cần phải kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân lên 24 tháng. Với 18 tháng như hiện nay là chưa đủ thời gian để huấn luyện kỹ lưỡng.
Ngoài ra, nên thực hiện tuyển quân mỗi năm một lần và có quy định khi cần thiết thì thực hiện tuyển quân 2 lần/năm. Thời gian tuyển quân nên tổ chức vào tháng Hai, tháng Ba hàng năm, khi các trường học đã đi vào ổn định.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều tán thành các vấn đề như việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo công bằng; nên xem xét hình thức thay thế khi thực hiện nghĩa vụ quân sự; trong đó, phải có quy định rõ đối với các trường hợp cụ thể, tuyệt đối không được thay thế bằng tiền…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trong các vấn đề về độ tuổi nhập ngũ (từ 18-25 tuổi và từ 18-27 tuổi), thời gian tại ngũ của quân nhân (18 tháng và 24 tháng), thời gian tại ngũ của sinh viên đã tốt nghiệp đại học.
Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 đề xuất: Nếu trước khi bước vào đại học, sinh viên được đào tạo khoảng 6 tháng trong quân ngũ sẽ rất tốt. Khi vào môi trường Quân đội, các cháu sẽ có sự thay đổi tích cực như lễ phép, chững chạc, mạnh mẽ, nhìn nhận về cuộc sống tốt hơn. Thực tế đã chứng minh điều đó. Môi trường Quân đội không đơn thuần là thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà đó là nơi đào tạo nguồn nhân lực rất tốt cho xã hội.
Kết luận buổi thẩm tra, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị: Dự án Luật phải dựa trên tinh thần đổi mới. Khi Luật có hiệu lực, phải đáp ứng được yêu cầu xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, cách mạng, tinh nhuệ, hiện đại. Nhưng Luật phải đảm bảo tư tưởng của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính đồng thuận cao của nhân dân.
Trên cơ sở các ý kiến và nội dung đóng góp của đại biểu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét Dự án Luật này.
Dự kiến, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5/9.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa.
|