Qua thảo luận các đại biểu góp ý làm rõ thêm một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, số định danh cá nhân, thẩm quyền đăng ký hộ tịch hay việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề nghị Dự án Luật chưa nên mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và gộp các vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao cho một ngành thống nhất quản lý. Nội dung hộ tịch có nhiều thông tin trùng lắp với thông tin về căn cước công dân trong dự thảo Luật căn cước công dân như khai sinh, kết hôn, khai tử, giám hộ... Vì vậy, nên quy định và giao thống nhất nội dung về quản lý dân cư cho một cơ quan thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp. Dự thảo cũng đề cập “ Số định danh cá nhân”. Có ý kiến cho rằng, đây là nội dung được quy định trong dự thảo Luật căn cước công dân. Do đó, Dự thảo Luật hộ tịch chỉ nên quy định việc sử dụng số định danh cá nhân chứ không nên quy định nội dung này. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Nguyễn Kim Khoa nói: “Chúng ta phải tập trung nguồn lực để xây dựng dữ liệu quốc gia dân cư, xây dựng dữ liệu này trước và cấp số định danh cá nhân theo tinh thần như vậy. Nếu xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia chung trước thì tiết kiệm hơn xây dựng theo từng bộ, ngành. Tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này. Một vấn đề nữa là dữ liệu quốc gia dân cư và số định danh cá nhân thống nhất ở Luật nào? Ai quản lý? Điều 10 về Số định danh cá nhân chưa rõ…” Về câu hỏi Luật hộ tịch ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu giấy tờ cho người dân? Bộ trưởng Bộ tư Pháp Hà Hùng Cường tham gia giải trình nêu rõ, hiện nay có khoảng 20 loại giấy tờ cá nhân, trong đó có các thông tin liên quan tới con người. Do đó, mục đích của Dự án Luật này nhằm từng bước loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, tuy nhiên, việc loại bỏ giấy tờ công dân cần có lộ trình và kết quả của thực tế của việc xây dựng dữ liệu về dân cư. Dự án Luật cũng sẽ khắc phục những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, Dự thảo Luật quy định việc phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch, theo đó giao cho UBND cấp huyện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và đăng ký, xác định lại dân tộc, thay đổi, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi. UBND cấp xã đăng ký các sự kiện hộ tịch đối với các trường hợp còn lại. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng lợi dụng việc cải sửa để gian lận như khai tăng, giảm tuổi, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong quản lý đăng ký hộ tịch.