Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý phương án tăng lương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất tăng lương của Chính phủ....

Kinhtedothi - Chiều 7/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất tăng lương của Chính phủ. Sau khi được thông qua, đề xuất tăng lương sẽ được trình Quốc hội quyết định trong phiên họp ngày 10/11. Đây là thông tin rất đáng mừng, nhất là khi trước đó, Chính phủ đề xuất hoãn thực hiện lộ trình tăng lương do không bố trí được nguồn.

Tiết kiệm để tăng lương

Theo phương án của Bộ Tài chính, 3 đối tượng sẽ được tăng lương trong năm sau gồm người có công, người về hưu, CBCNVC hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống tương đương mức lương hàng tháng là 3 triệu đồng/tháng trở xuống. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu phương án này được Quốc hội phê duyệt thì ngân sách năm sau sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng lương cho 3 đối tượng nói trên.
Cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương hệ số từ 2,34 trở xuống là đối tượng được đề xuất tăng lương trong năm tới. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương hệ số từ 2,34 trở xuống là đối tượng được đề xuất tăng lương trong năm tới. Ảnh: Thanh Hải
 
Quá trình xây dựng mức tăng lương của năm 2015 đang được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất mức tăng và đối tượng được tăng lương. Phương án chính thức vẫn đang được các bộ bàn. Mức tăng cuối cùng là bao nhiêu, và những nhóm đối tượng được tăng lương là người có công, người về nghỉ hưu, người hưởng lương ngân sách hay mở rộng đối tượng hơn còn phụ thuộc vào quá trình cân đối ngân sách. Ngân sách cân đối được bao nhiêu thì sẽ tăng bấy nhiêu.

Ông Phạm Minh Huân Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH
Dù đồng tình tăng lương là để giải quyết 2 vấn đề đảm bảo đời sống tốt cho người dân và giải quyết vấn đề xã hội, tuy nhiên là thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, lo lắng cho ngân sách quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên vẫn lo lắng tới việc cân đối ngân sách: "Dù ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể đạt 911.000 tỷ đồng (tăng hơn 63.000 tỷ đồng) nhưng NSNN còn chi nhiều hơn, chi tăng hơn 1.100 tỷ đồng, và bội chi ngất ngưởng ở mức 226.000 tỷ đồng. Miếng bánh ngân sách hạn hẹp, nhưng nhu cầu chi thì rất nhiều". Đồng thời, ông Kiên còn băn khoăn với đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống nếu theo tính toán chiếm khoảng 35% tổng số CBCNVC là trên 1,8 triệu người, không lẽ toàn là sinh viên mới ra trường? .

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, trước thông tin có thể phải hoãn tăng lương thì thông tin tăng cho một số đối tượng cũng được coi là đáng mừng, vì dù sao "có còn hơn không".  Theo ông Phong, tính toán của Bộ Tài chính về nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các đối tượng này khoảng 11.100 tỷ đồng cũng không lớn lắm so với con số dự tính ban đầu là hơn 40.000 tỷ đồng, không là áp lực quá lớn và vẫn có thể cân đối được. Số tiền này có thể sử dụng một phần hợp lý của ngân sách đó là tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết, nhất là các khoản chi cho hội nghị, hội thảo… để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu.
Còn nhiều vấn đề phải bàn

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ĐB Quốc hội Nguyễn Thị An (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc nếu không thể điều chỉnh tăng lương đồng loạt cho tất cả người lao động thì buộc phải tách riêng các đối tượng tăng lương. Tuy nhiên, bà An cho rằng, về lâu dài nên hướng tới tăng lương cho mọi thành phần theo đúng lộ trình để đảm bảo đời sống tối thiểu và cũng để tăng năng suất lao động. "Cân đối ngân sách khó khăn tuy là thực tế nhưng là do điều hành thu - chi chưa tốt, chưa nghiêm" - bà An bày tỏ quan điểm và cho rằng, đi kèm với tăng lương thì phải cải cách bộ máy, đồng thời phải tinh giản biên chế, bố trí đúng người, đúng việc, chứ hiện nay quá cồng kềnh. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Hồ Chí Minh) khi đặt câu hỏi: Tại sao nhiều người vẫn chấp nhận bỏ ra vài trăm triệu để "chạy" vào làm công chức tại các bộ, ngành, địa phương để rồi ngồi đó và hưởng mức lương khởi điểm chỉ 3 triệu đồng/tháng? "Chính cơ chế quản lý, tổ chức cán bộ yếu đã vô hình trung tạo ra môi trường thả nổi để cán bộ công chức tiêu cực" ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

Trong khi đó, theo ĐB Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình), ngay cả khi chỉ tăng lương cho 3 đối tượng trên nhưng nếu không lựa chọn thì vẫn mang tính cào bằng. Ông Kiêm ví dụ cách tính lương lưu hiện nay cũng nên thay đổi lại. Khi tính lương hưu phải tính tới thời hạn nghỉ hưu, đồng thời phải thu gọn các bậc lương hưu lại. Lương hưu cũng phải sát với năng suất lao động của từng loại đối tượng lao động để tạo động lực cho người lao động phấn đấu, phát huy, không nên theo chủ nghĩa cào bằng.

ĐB Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, cần đặt ra yêu cầu phải đổi mới hoạt động của khối sự nghiệp để họ tự lo được lương, giảm áp lực ngân sách, khi đó số lượng nhân sự mới giảm xuống thì sẽ thực hiện tiền lương tốt hơn. Ngoài ra, cùng với tăng lương phải kéo lạm phát xuống thì người dân mới được hưởng lợi, sức mua mới tăng lên, chứ tăng lương mà không đuổi kịp tăng giá thì  người dân còn khổ hơn.
Ông Tạ Gia Cát (lão thành cách mạng), phường Quang Trung, Hà Đông:

Điều đáng mừng

Quốc hội thông qua phương án tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công thì chúng tôi rất mừng. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến các chính sách, chế độ cho những người đã cống hiến vì sự bình yên, phát triển của đất nước. Mừng hơn là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý thông qua phương án tăng lương cho 3 nhóm đối tượng gồm: Người có công, người về hưu và cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách có hệ số từ 2,34 trở xuống. Tuy nhiên vẫn phải cho tới phiên họp ngày 10/11 tới để trình Quốc hội. Nếu ngân sách không đảm bảo để chi trả tăng lương cho cả 3 nhóm đối tượng thì nên ưu tiên tăng lương cho nhóm đối tượng cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách có hệ số từ 2,34 trở xuống. Bởi họ đa phần là những người trẻ hoặc lao động chính trong gia đình nên phải lo cho cả ông bà, bố mẹ, con cái.

Ông Phùng Văn Mỹ - giáo viên nghỉ hưu, xã Đồng Thái, Ba Vì:

Những người nghỉ hưu sẽ bớt lo

Hiện, vợ chồng tôi đã già, lại bị bệnh huyết áp nên không có khả năng lao động. Với mức lương hưu hàng tháng là 2.060.000 đồng, vợ chồng tôi không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế, những lúc đau yếu đi bệnh viện vẫn phải vay mượn thêm. Nhiều khi, đau yếu quá mới dám mua thuốc uống. Thế nên, chúng tôi rất mong Quốc hội thông qua đề xuất tăng lương cho người nghỉ hưu, để họ bớt lo. Đối tượng người có công hiện cũng đã già, yếu, không còn khả năng lao động nên cũng cần thiết được tăng lương.

Hoàng Thị Trang - Công ty CP Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội:

Mong tăng lương từng ngày

Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ đang học tiểu học. Lương tháng của tôi được 2 triệu đồng, chồng tôi chỉ được 5,5 triệu đồng. Số tiền lương của hai vợ chồng chi tiêu hà tiện cũng chỉ vừa đủ ăn và thuê nhà. Tiền cho con đi học phải thường xuyên xin bố mẹ chồng giúp đỡ hoặc vay mượn anh em. Thế nên, tôi mong được tăng lương từng ngày để có thể có đủ khả năng chi trả những khoản cần thiết hàng ngày.
            Hồng Hạnh ghi