Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Sớm thông qua 10 chương trình công tác nhằm hiện thực chiến lược phát triển Thủ đô

Theo Hànộimới
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng là thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa. Trao đổi với báo chí ngay sau hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, 10 chương trình công tác toàn khóa không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng là thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngay sau hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, 10 chương trình công tác toàn khóa không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025 mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: Viết Thành
Ý nghĩa quyết định
- Xin đồng chí cho biết, việc thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa có ý nghĩa ra sao đối với quá trình đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống?
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình công tác toàn khóa là giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo có tính hiệu quả cao, nét độc đáo đã được khẳng định qua nhiều nhiệm kỳ tại Ðảng bộ TP Hà Nội. Ðây là bài học kinh nghiệm quý, là cơ sở để Thành ủy khóa XVII xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa nhằm đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống. Việc thông qua 10 chương trình công tác có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP vào thực tiễn cuộc sống và nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện Nghị quyết hiện nay.
Các chương trình công tác toàn khóa này không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn trước mắt 2021-2025, mà còn có ý nghĩa hết sức cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo như tầm nhìn trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đến năm 2030 và đến năm 2045.
- Như vậy, Thành ủy đã thực hiện đúng như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đã đề ra và có lẽ sớm nhất từ trước đến nay. Đồng chí đánh giá ra sao về kết quả này cũng như chất lượng xây dựng dự thảo các chương trình công tác?
- Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP và chủ đề Đại hội là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, ngay sau Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã thành lập 10 ban chỉ đạo để xây dựng 10 chương trình công tác với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ. 3 tháng qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy, các ban chỉ đạo, cơ quan thường trực 10 chương trình công tác đã làm việc hết sức trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ; triển khai thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.
Để được trình ra Ban Chấp hành Đảng bộ TP, dự thảo một chương trình trải qua rất nhiều bước trong quy trình xây dựng bài bản, chặt chẽ, khoa học từ chất liệu, căn cứ đến quy trình dự thảo, báo cáo, thẩm định tiếp thu và hoàn chỉnh các phiên bản lấy ý kiến chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo TP giai đoạn 2015-2020... Dự thảo các chương trình đều bảo đảm nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn; trải qua các vòng tham vấn, cho ý kiến thẩm định rất nghiêm ngặt của Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy... Các dự thảo đều đã bảo đảm chất lượng cao khi trình ra Hội nghị lần thứ ba, được Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhất trí thông qua.
Đây là thành quả từ nỗ lực rất lớn của các ban chỉ đạo, đặc biệt là 10 cơ quan thường trực, các tổ công tác giúp việc, cán bộ, chuyên viên các cơ quan, đơn vị liên quan và quyết tâm của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
 
Bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện
- Thưa đồng chí, vì sao lần này Thành ủy lựa chọn 10 chương trình công tác toàn khóa; đâu là nét đặc sắc của các chương trình công tác?
- Như đã nói ở trên, ban hành các chương trình công tác là giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cụ thể hóa và sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Xuất phát từ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định 10 chương trình công tác toàn khóa. Bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nông thôn mới, an ninh - quốc phòng hay phòng, chống tham nhũng…, Thành ủy khóa XVII đã bổ sung 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Ðó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Những lựa chọn trên đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của Thủ đô. Chẳng hạn, 10 năm qua, chương trình về nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả cao, tạo ra sự thay đổi lớn đối với “tam nông”, nhưng chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức, còn bất cập; nên việc có thêm chương trình về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị sẽ giúp Hà Nội phát triển thận trọng hơn, toàn diện hơn.
Đối với Chương trình số 07-CTr/TU “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”, đây là lựa chọn cần thiết khi Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đó là chưa kể, Hà Nội là địa phương có tiềm lực khoa học, công nghệ rất lớn với 82% trường đại học, 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước quy tụ ở Hà Nội… nên cần thiết phải có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ để khai thác lợi thế này.
Còn Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định Đảng bộ thành phố luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối. Đây cũng chính là tinh thần toát lên trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được cụ thể hóa tại Hà Nội.
- Nhiều ý kiến nhận định, nét mới của các chương trình công tác kỳ này là tính hành động. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về điều này?
- Đúng vậy. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thường xuyên lưu ý các ban chỉ đạo, cơ quan thường trực phải tránh sao chép lại Nghị quyết, mỗi chương trình phải có ý nghĩa như một chương trình hành động; xác định cụ thể nhiệm vụ từng tháng, từng quý, từng năm; rõ nội hàm công việc, ai chủ trì, ai phối hợp, khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc, kết quả phải được khẳng định vào thực tiễn cuộc sống; phải được người dân ghi nhận.
Thực tế, các chương trình công tác vừa được thông qua đã thể hiện rõ tính hành động. Từ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp đều rất cụ thể, dễ nắm bắt, dễ thực hiện. Hầu hết các chương trình đã xác định rõ số lượng, nội dung kế hoạch, đề án, dự án kèm theo phụ lục phân công nhiệm vụ, giao thời hạn cho các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
- Nhiệm vụ đặt ra sau khi Thành ủy Hà Nội đã thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa là gì, thưa đồng chí?
- Có thể nói, không phải chờ đến khi các chương trình công tác được ban hành thì thành phố mới đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố vào cuộc sống. Ngay sau Đại hội, nhiệm vụ này đã được triển khai với tinh thần rất khẩn trương gắn với “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm phải tạo cho được sự chuyển biến mà người dân nhìn thấy, cảm nhận thấy. Đáng chú ý, vừa qua, thành phố đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong xây dựng quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và quy hoạch phân khu sông Hồng vốn được chờ đợi gần 10 năm qua. Đây là những “sản phẩm” đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Với tinh thần đó, ngay sau Hội nghị lần thứ ba, Thành ủy sẽ chỉ đạo khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện để ký ban hành cả 10 chương trình ngay trong tuần tới.
Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành sớm nhất việc xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án thực hiện 10 chương trình công tác; đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên căn cứ 10 chương trình công tác của Thành ủy, rà soát cập nhật vào kế hoạch công tác năm và cả nhiệm kỳ của cấp mình, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!