Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

V-League 2020: Lo tuyển quốc gia khó tìm chân sút

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 tháng phải tạm hoãn vì dịch Covid-19, cuối tuần qua, V-League 2020 và giải hạng Nhất cũng bắt đầu khởi tranh trở lại. Dù những thống kê về chuyên môn chưa làm hài lòng nhưng phần nào người hâm mộ có thể giải được “cơn khát” bóng đá vào các ngày cuối tuần.

 Pha tranh bóng giữa đội Hà Nội FC - HAGL trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Ngọc Tú 

Cổ động viên hùng hậu
Nếu như ở vòng đầu tiên của hạng Nhất diễn ra với 6 trận đấu, tại V-League có màn đụng độ nảy lửa với 7 cặp đấu hấp dẫn, trong đó phải kể đến TP Hồ Chí Minh gặp Hải Phòng, Nam Định tiếp đón Viettel và tâm điểm chính là trận đấu muộn tại sân Hàng Đẫy giữa Hà Nội FC và HAGL.
Tôi cùng các cộng sự đã xem rất kỹ V-League, hạng Nhất để lựa chọn nhân sự cho hàng công nhưng phải nói thật là tương đối khó khăn vì các CLB thường sử dụng ngoại binh trên hàng công. Tất nhiên, không thể trách HLV các đội được vì họ chịu áp lực thành tích nên phải ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại.
HLV Park Hang-seo
Theo thống kê của Ban Tổ chức, trong 7 trận đấu của giải có tổng cộng 50.500 người tới sân, đạt mức trung bình 7.214 người/trận. Đây là bằng chứng cho thấy người hâm mộ đã mong ngóng bóng đá trở lại của giải đấu đến mức nào. Theo ghi nhận, 2 sân bóng có lượng người hâm mộ tới sân đông nhất vẫn là Thiên Trường (15.000 người) và Hàng Đẫy (12.000 người).
Nếu như việc mở cửa đón khán giả mang đến hình ảnh đẹp cho bóng đá Việt Nam với thế giới thì những số liệu sau các trận đấu lại chưa thực sự làm thỏa mãn người hâm mộ. Riêng tại V-League, 7 trận đấu tại 7 sân cỏ chỉ có 12 bàn thắng được ghi, trung bình 1,7 bàn/trận chưa thực sự đúng với những kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các số liệu chưa đạt được như mong muốn do việc thay đổi thể thức thi đấu của mùa giải và việc không còn danh hiệu Vua phá lưới khiến các đội bóng có những toan tính đường dài cho giai đoạn 1. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chuyên môn cũng như chất lượng của các trận đấu trong mùa giải. Thêm nữa, đây là vòng đấu trở lại sau nhiều tháng nghỉ vì Covid - 19 của V - League, cũng như của giải hạng Nhất, nên các đội bóng cũng như các cầu thủ chưa đạt phong độ như mong muốn.
Quá phụ thuộc ngoại binh
Hiện tại, mỗi CLB thi đấu tại V-League sẽ được sử dụng 3 ngoại binh, trong khi đó hạng Nhất sẽ không được sử dụng. Tại Cúp Quốc gia, để bảo đảm công bằng, nếu là hai đội V-League thì cùng được sử dụng ngoại binh, còn gặp hạng Nhất sẽ không được dùng. Điều này đã được áp dụng tại vòng loại, vòng 1/8 Cup Quốc gia 2020 như trận Phố Hiến gặp Thanh Hóa, Sài Gòn gặp Bà Rịa - Vũng Tàu…
Vấn đề sử dụng ngoại binh sao cho hợp lý không phải là lần đầu tiên được bàn tới. Trước khi V-League 2020 khởi tranh, trong cuộc họp giữa VPF và các CLB tại V-League để tìm hướng đi mới cho mùa giải mới, một CLB đã đề xuất không sử dụng ngoại binh. Điều này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các đội bóng thành viên. Ngay ở vòng 1 hạng Nhất cuối tuần qua, vấn đề này lại được nhắc tới, HLV trưởng của Bình Định Nguyễn Đức Thắng cho rằng, các đội V-League khi thi đấu không ngoại binh sẽ lập tức bế tắc, điều đó chứng tỏ họ quá phụ thuộc vào cầu thủ ngoại. "Ngoài việc các đội V-League để thua đội hạng dưới là do chuẩn bị không tốt, khâu đào tạo trẻ đã không tốt nên thiếu cầu thủ nội tốt mỗi khi thi đấu không ngoại binh” - HLV Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Theo thống kê, sau 3 vòng đấu tại V-League đã có 14 cầu thủ là ngoại binh ghi bàn. Việc ghi bàn đạt hiệu quả chủ yếu nằm ở các đội bóng sử dụng ngoại binh cho hàng công như Hà Nội FC, HAGL, Thanh Hóa, Hải Phòng… Đáng chú ý nhất, ở vòng đấu vừa qua nổi lên là cái tên Rimario của Hà Nội FC với cú đúp vào đội bóng cũ HAGL.
Các đội bóng quá phụ thuộc vào chân sút ngoại binh khiến các tiền đạo nội phần nào mất đi kỹ năng săn bàn, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch của ĐTQG. Có lẽ PVF và VFF sẽ cân nhắc những đề xuất của các đội để đưa ra phương án hợp lý nhất, qua đó vừa cân bằng yếu tố thành tích của các đội vừa tạo điều kiện tốt nhất cho ĐTQG.