Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VAF nâng tầm giá trị giống sâm quý

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây) ở núi Ngọc Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum được nhiều người biết đến chẳng thua kém gì sâm Hàn Quốc.

Để nâng tầm thương hiệu và giá trị kinh tế, lãnh đạo Công ty CP XNK Nông sản Việt Nam (VAF) đã cất công tìm vào thánh địa sâm để khảo sát, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm này.
Nhân viên Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại Tiền Giang đang sấy và bào quản sâm Ngọc Linh. Ảnh: Khắc Kiên.
Hiện tại, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được 178,8ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô trồng là 7,84ha, DN tư nhân trồng 169ha, số còn lại do các hộ dân tự trồng. Là người nhiều năm theo đuổi và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản Việt Nam (VAF) Trần Thị Thu Hằng đã tìm đến Măng Ri để tìm hiểu và xây dựng chu trình khép kín cho loại thảo dược quý này. Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum, bà Hằng lặn lội từ Hà Nội vào vùng sâm để khảo sát, thu mua rồi mang giống vào Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại Tiền Giang để phân loại, rửa loại bỏ tạp chất, hấp nóng, sau đó đưa vào buồng sấy năng lượng để đưa ra sản phẩm có chất lượng. Bà tiết lộ, đây mới chỉ là bước thử nghiệm nhưng cũng đã cho ra kết quả tốt hơn là phơi sấy tự nhiên. Trong tương lai, VAF tự tin có thể liên kết với người dân trồng sâm ở Măng Ri đưa ra sản phẩm có chất lượng cao tới người tiêu dùng.

Năm 2017, người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông thu hoạch được 64,3 tấn sơn tra, giá trị 385,8 triệu đồng; ngũ vị tử 31,5 tấn, trị giá 315 triệu đồng; đương quy 24,5 tấn, trị giá 980 triệu đồng; sâm dây 15,7 tấn, giá trị hơn 1,25 tỷ đồng.

Bà Hằng cho biết, DN kết hợp với người trồng sâm sẽ tạo ra thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết, thấy được giá trị của sâm Ngọc Linh, sâm dây. Lúc đó, giá trị của sâm Ngọc Linh không chỉ vài trăm ngàn đồng/kg mà sẽ cao hơn nữa. Đồng quan điểm này, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum Triệu Thị Linh cho biết, Măng Ri nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, là vùng đệm của núi Ngọc Linh và trở thành nơi rất thích hợp cho trồng cây sâm dây. Sau khi bị khai thác cạn kiệt sâm tự nhiên, với chính sách phát triển kinh tế cho phụ nữ, các cấp hội luôn theo sát, hướng dẫn, giúp đỡ bà con dân tộc yên tâm sản xuất để duy trì loại thảo dược quý hiếm này. “VAF là DN uy tín, có đủ năng lực. Quan trọng là người đứng đầu am hiểu về sản phẩm, có trách nhiệm, không quản khó khăn, khoảng cách về địa lý tìm những phương án rất thiết thực để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân từ sâm dây” – bà Linh nhận định.

Nói về cây sâm quý mang lại giá trị kinh tế cao, Chủ tịch MTTQ xã Măng Ri Y H’Lạng - người đầu tiên mang giống sâm dây gieo trồng cho biết: Trước đây chỉ có hơn 2.000 đồng/kg sâm, nhưng sau khi biết giá trị thì đơn giá tăng dần. Hiện gia đình bà đang trồng gần 2ha sâm dây, giá bán 120.000 đồng/kg, sâm dây khô có giá 500.000 – 700.000 đồng/kg. “Có được giá trị này là nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chung tay, cùng với các cấp, nhất là kết hợp với các DN đưa công nghệ áp dụng vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm” - bà Y H’Lạng nói. Nhận thấy giá trị của sâm quý, chính quyền xã Măng Ri đã khuyến khích người dân trồng loại sâm này. Từ khi triển khai, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 75% xuống còn 41%. Song, mong muốn của lãnh đạo các cấp, nhất là với người dân tộc Xê Đăng là có chính sách hỗ trợ để DN như VAF thu gom, áp dụng công nghệ vào bảo quản, bao tiêu sản phẩm để mang lại giá trị cao hơn cho người dân.