Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vải thiều cuối vụ giá tăng cao

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này đã là cuối vụ của vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) 2019. Hiện, giá vải đang dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay tại vùng trồng vải này.

Khảo sát tại khu vực các xã Tân Sơn, Cấm Sơn, Hồng Giang… của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được biết, vải thiều ở các xã này cho thu hoạch muộn hơn so với vải chính vụ do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều riêng biệt. Sản lượng vải thiều muộn của các xã vụ này ước khoảng 4.000 tấn, đến nay đã bán hết 90%, chỉ còn lại số lượng không đáng kể.
Tại các đại lý hay các trục đường chính trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã không còn cảnh tắc đường dài hàng kilômét như hồi chính vụ. Chủ đại lý chuyên thu mua vải Tùng Mơ, xã Tân Sơn cho biết, hiện chỉ còn lác đác người dân đến bán vải. Đại lý đang thu mua vải với mức giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg tùy mẫu mã.
Cũng là một đại lý thu mua vải lớn của huyện Lục Ngạn, đại lý Kim Biên cũng đang thu mua vải với mức giá từ 55.000 – 80.000 đồng/kg. Bà Trần Thị Kim - Chủ nhiệm HTX Kim Biên, huyện Lục Ngạn cho biết: "Tôi thu mua vải mấy chục năm nay nhưng chưa có năm nào giá vải cuối vụ lại tăng cao như vậy. Nếu như năm trước, cuối vụ vải chỉ dao động tăng thêm từ 7.000 – 10.000 đồng/kg thì năm nay, mức giá đã tăng gấp nhiều lần.
Theo bà Kim, từ đầu mùa tới giờ, giá vải luôn dao động ở mức khá hơn so với mọi năm, trung bình từ 25.000 – 40.000 đồng/kg, đỉnh điểm vào cuối vụ tăng lên mức 80.000 đồng/kg. Lý do khiến giá vải tăng cao một phần do sản lượng giảm, một phần do năm nay các DN bên Trung Quốc sang trực tiếp thu mua, đóng gói từ đầu mùa đến cuối mùa.
“Mọi năm, người dân chỉ bán được vài trăm nghìn đồng/chuyến vải nhưng năm nay, phổ biến là thu về 7 - 8 triệu đồng/chuyến, có nhà đạt tới 20 triệu đồng/chuyến. Tuy sản lượng giảm nhưng thu nhập không giảm nên bà con rất phấn khởi” – bà Kim bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết, năm nay, người dân Lục Ngạn tập trung nâng cao chất lượng quả vải, không chỉ riêng sản phẩm vải hữu cơ mà vải VietGAP, GlobalGAP… cũng đạt chất lượng. Tỷ lệ xuất khẩu lên đến 60%, chủ yếu xuất đi Trung Quốc, thị trường trong nước cũng rất tiềm năng. Ngoài tiêu dùng quả tươi, các DN Trung Quốc còn chế biến thành các loại đồ uống, thức ăn, thậm chí làm gia vị…
Được biết năm 2019, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 28.000ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 14.000ha; sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha.