Vải thiều đầu mùa được giá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này đã bắt đầu vào vụ thu hoạch của vải thiều. Tuy sản lượng giảm, nhưng bù lại giá vải năm nay giá vải cao hơn gấp đôi năm trước nên bà con nông dân vùng trồng vải rất phấn khởi.

Vải thiều là một loại quả đặc sản của các tỉnh phía Bắc, diện tích vải tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Vụ vải thiều năm 2019, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 28.000 ha trồng vải, sản lượng ước tính đạt 150.000 tấn. Trong đó vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, tương đương 40.000 tấn.
Theo phản ánh của người dân trồng vải tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay sản lượng vải giảm mạnh, nhiều gia đình chỉ đạt 50% sản lượng, thậm chí nhiều gia đình mất trắng cả vườn. Sản lượng giảm khiến giá vải được đẩy lên cao.
Anh Nguyễn Văn Thế, người dân thôn Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn cho biết: “Gia đình tôi canh tác hơn 1 mẫu vải, dù chăm sóc kỹ, đúng quy trình nhưng do thời tiết nóng ẩm và mưa đúng dịp vải nở hoa nên tỷ lệ đậu quả của vải thiều chỉ đạt khoảng 50%. Sản lượng năm nay của cả vườn ước chừng chỉ được khoảng hơn 3 tấn. Tuy sản lượng giảm nhưng bù lại giá vải cao”.
Khảo sát tại một số điểm chuyên thu mua vải tại Lục Ngạn như thị trấn Chũ, Kim, Hồng Giang… vải thiều được bán buôn với giá bình quân từ 30.000 – 45.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2018.
Tương tự, vùng trồng vải chính của tỉnh Hải Dương là huyện Thanh Hà cũng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Sản lượng vải của huyện Thanh Hà ước đạt 18.000 tấn, giảm trên 55% so với năm 2018. Vải thiều chính vụ năm nay mất mùa, chỉ có khoảng 10% số cây cho quả. Đổi lại, giá vải quả năm nay tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Hiện vải đang được thu mua từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân giá vải tăng cao một phần do sản lượng giảm hơn so với mọi năm, một phần nhờ vào chính sách xúc tiến thương mại, thu hút DN thu mua của các địa phương. Theo đó, vụ vải năm 2019, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tập trung xây dựng các vùng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, có nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh việc duy trì các thị trường đã có, các địa phương sẽ tăng số lượng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và mở rộng một số nước mới thâm nhập như Nga, Canada, Singapore, các nước Trung Đông…