Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vai trò tích cực của Hội Phụ nữ Đan Phượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội vừa được công nhận huyện nông thôn mới (NTM). Góp phần vào thành công chung ấy không thể không nhắc đến vai trò của những người phụ nữ “ba đảm đang” nơi đây.

Giúp hội viên thoát nghèo

Theo chân các cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đan Phượng, chúng tôi có mặt tại xã Phương Đình - một trong những địa phương có nhiều thành tích trong công tác xây dựng NTM. Tại đây, Hội LHPN huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao cho các hội viên. Các nội dung được lồng ghép vào những buổi sinh hoạt toàn xã và tại chi hội. Đặc biệt, Hội chú trọng vào việc hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. Đến nay, Hội quản lý trên 11 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế bền vững.
Chị Nguyễn Thị Liên - hội viên Hội Phụ nữ xã Phương Đình chăm sóc bò.
Chị Nguyễn Thị Liên - hội viên Hội Phụ nữ xã Phương Đình chăm sóc bò.
Chị Nguyễn Thị Liên - một trong những hội viên thoát nghèo bền vững từ việc chuyển đổi chăn nuôi bò sữa chia sẻ, nhiều năm trước, cuộc sống gia đình rất chật vật, khó khăn. Nhờ được Hội Phụ nữ xã Phương Đình cho vay vốn ưu đãi và tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình chị đã thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi bò sữa, lợn và gà... “Mỗi ngày chỉ mất khoảng 1 - 2 giờ cho việc chăm sóc đàn bò sữa nên cũng không vất vả lắm. Hiện tại, để tăng thu nhập, phát triển kinh tế, gia đình còn phát triển chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả cho thu nhập thêm từ 5 - 6 triệu đồng/tháng” - chị Liên hồ hởi.

Để phát triển kinh tế, chị em phụ nữ xã Phương Đình đã tích cực phát huy hiệu quả chương trình tín dụng, tiết kiệm. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Đình Nguyễn Thị Ánh, tính đến giữa năm 2015, toàn xã đã có 100% gia đình hội viên tham gia tiết kiệm. Hoạt động này đã giúp 425 hộ hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ hơn 6,871 tỷ đồng... Cùng với đó, các cấp hội đã vận động hội viên thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Các mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm tiếp tục phát triển với nhiều phương thức huy động.

Hiệu quả thiết thực

Câu chuyện về tập thể cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Phương Đình đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên là minh chứng rõ nét cho sức mạnh tập hợp hội viên phát huy tinh thần sáng tạo, thi đua làm giàu. Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2015, Hội LHPN huyện Đan Phượng đã giải ngân 6,782 tỷ đồng cho 396 hộ vay vốn. Toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn duy trì và nhân rộng mô hình tiết kiệm tại chi hội để tạo nguồn tại chỗ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế với tổng số tiền 2,945 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ tích cực cho hội viên vay vốn, Hội LHPN huyện đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách sử dụng phân bón lá, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cho 905 hội viên. Hội cũng hỗ trợ 5,2 triệu đồng mua phân bón cho các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây đu đủ. Một hoạt động khác của Hội là tham gia chỉnh trang khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu và đề ra chủ trương xây dựng chi hội “xanh, sạch, đẹp”. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng Hoàng Thị Oanh, Huyện hội thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của T.Ư Hội LHPN Việt Nam bằng việc triển khai chương trình “5 không, 4 sạch” với tiêu chí sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ - sạch đồng ruộng. Từ tháng 4 - 7/2015, Hội đã chỉ đạo các chi hội ra quân tổng vệ sinh đồng ruộng, vận động cán bộ hội viên ra đồng thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật... Tham mưu cho hội LHPN các xã, thị trấn xây dựng các bể chứa ngoài đồng ruộng để người dân vứt chai, lọ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Những thành quả ấy dù không lớn nhưng đã góp phần làm nên thành công chung của cả huyện trong việc tạo diện mạo mới cho nông thôn nơi đây.