Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn băn khoăn mô hình đại diện chủ sở hữu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn còn có...

Kinhtedothi - Sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Có cần thành lập cơ quan quản lý độc lập?

Thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung…
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng khai khống vốn.            Ảnh: Thanh Hải
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng khai khống vốn. Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng: Quyết định tiền thuế của Nhân dân là thẩm quyền của Quốc hội. Vì thế, Quốc hội phải quyết định cơ quan nào thay mặt để quản tiền ngân sách này. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nếu thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp lại "khổ" khi muốn đầu tư gì phải "trình". Khi được thông qua quyết định đầu tư thì đã lỡ mất cơ hội.

Xác định đây là vấn đề hệ trọng, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị cho ý kiến là tiếp tục nghiên cứu để có phương án tối ưu trình Bộ Chính trị và T.Ư. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chọn mô hình nào để thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà khắc phục được tồn tại yếu kém trong quản lý vốn Nhà nước hiện nay cần nghiên cứu thêm và cần có thêm thông tin để giải trình với Quốc hội

Môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề

Giải trình về những vấn đề còn chưa thống nhất trong Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Người làm nghề môi giới phải là người có trình độ, có phẩm chất đạo đức trong kinh doanh. Cùng chung quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, Luật sửa đổi lần này phải quy định điều kiện để hành nghề môi giới. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhận định: "Đối với vấn đề môi giới BĐS nếu có quy định chặt chẽ sẽ không còn tình trạng giá trên trời như hiện nay".

Đồng ý với chủ trương này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần nghiên cứu và quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong luật.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Quản chặt quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng

Chiều 15/7, UBTV Quốc hội đã thảo luận Khoản 4, Điều 7 của Luật Quảng cáo về các loại sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em khi được cụ thể hóa trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ.

Để thống nhất quản lý thị trường quảng cáo sữa và nhất quán với mục tiêu khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ của Nhà nước Việt Nam, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, thiếu niên & Nhi đồng cơ bản nhất trí với quan điểm của Chính phủ xác định sản phẩm dinh dưỡng công thức  follow-up formula sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không phải thức ăn bổ sung (thức ăn dặm) và do đó không được phép quảng cáo. Tuy nhiên, việc giải thích sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ chỉ liệt kê 2 loại sản phẩm dinh dưỡng công thức cụ thể (infant formula và follow-up formula) là chưa đủ. Nếu với cách giải thích này, trong tương lai, những loại sản phẩm dinh dưỡng công thức mới cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể được các công ty sữa đưa ra thị trường sẽ không nằm trong đối tượng bị Luật Quảng cáo điều chỉnh. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất cách giải thích phù hợp, tránh việc phải tiếp tục bổ sung văn bản giải thích pháp luật khi có những sản phẩm mới phát sinh.