Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn băn khoăn tính khả thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 5/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo đó, Dự án Luật tập trung điều chỉnh và làm nổi bật vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân không thuộc sở hữu toàn dân thì chỉ quy định các trường hợp có tác động lớn đến nguồn lực xã hội như ma chay, cưới xin, lễ hội... Các nguồn lực khác cần có quy định để bảo đảm tính toàn diện nhưng chỉ mang tính định hướng, khuyến khích và khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân, nhằm bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của các chủ thể.
 
 
Vẫn băn khoăn tính khả thi - Ảnh 1
 
Các đại biểu quốc hội họp tại Hội trường.

Thẩm tra Dự án Luật, nhiều ý kiến của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Tính khả thi của Dự án Luật là chưa cao; nhiều quy định còn mang tính hình thức, hiệu lực thực tế thấp, khó đi vào cuộc sống. Để có căn cứ thực hiện và đánh giá được việc thực hiện tiết kiệm hay không tiết kiệm, có lãng phí hay không lãng phí thì phải quy định được các nội dung cơ bản như: Chế độ, tiêu chuẩn, định mức cụ thể trong quản lý, sử dụng các nguồn lực; Trách nhiệm ban hành và tuân thủ quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức của từng tổ chức, cá nhân; Biện pháp chế tài tương xứng, mang tính răn đe để áp dụng trong trường hợp không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THTK, CLP. Tuy nhiên, những quy định này còn thiếu trong Dự án Luật; một số quy định về trách nhiệm bồi thường không khả thi. Vì vậy, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi của Dự án luật.

Về phạm vi các lĩnh vực phải thực hiện công khai được quy định trong Dự thảo luật, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá là còn hẹp. Trong khi đó, để đánh giá chất lượng THTK, CLP thì yêu cầu công khai việc sử dụng các nguồn lực là căn cứ quan trọng. Một số ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi của công khai trong THTK, CLP là phải công khai hiệu quả sử dụng nguồn lực, bao gồm hiệu quả sử dụng nguồn lực từ NSNN, từ tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác; công khai việc tuân thủ quy định của pháp luật về THTK, CLP; công khai những kết quả trong THTK, CLP. Vì vậy, bên cạnh những lĩnh vực Dự án luật quy định phải công khai như dự toán, phân bổ NSNN, quy hoạch, kế hoạch thì cần có quy định nhấn mạnh trọng tâm công khai hiệu quả sử dụng các nguồn lực để từ đó có thể nhìn nhận, đánh giá được việc THTK, CLP một cách hữu hiệu.
 
Đồng thời, việc quy định về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về THTK, CLP chưa hợp lý. Theo quy định của Dự án Luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ bị xử lý khi hành vi vi phạm đó gây ra lãng phí. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi có hành vi vi phạm pháp luật thì phải thuộc đối tượng bị xử lý. Còn việc gây hậu quả thì căn cứ vào tính chất, mức độ để có hình thức xử lý tương ứng. Vì vậy, đề nghị chỉnh sửa theo hướng mọi tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm là thuộc đối tượng phải xử lý trách nhiệm.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều ngày 6/6 và thảo luận tại hội trường vào ngày 18/6, phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước.

Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.

 

Theo đánh giá của Chính phủ về những kết quả, hạn chế khi triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có hiệu lực từ 2006): Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011 tổng số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng. Cùng với đó, từ 2006 - 2010, các đơn vị ngành tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỷ  đồng.