Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn bản Luật Lao động: Càng nhiều, càng lúng túng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã phê chuẩn 17 công ước của ILO. Những năm qua, Việt Nam đã đưa phần lớn các công ước này và tiêu chuẩn của ILO vào trong hệ thống pháp luật liên quan đến lao động.

Theo các chuyên gia quốc tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn luật lao động nhưng các quy định của luật và văn bản hướng dẫn luật lại không đồng bộ về nội dung và thời gian thực hiện, nên gây lúng túng cho việc tổ chức thực thi luật.

 
(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là một trong những nhận định đáng chú ý tại “Hội thảo việc làm bền vững và bình đẳng giới trong các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thực tiễn áp dụng tại Việt Nam” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức ngày 22/10.

Việt Nam đã phê chuẩn 17 công ước của ILO. Những năm qua, Việt Nam đã đưa phần lớn các công ước này và tiêu chuẩn của ILO vào trong hệ thống pháp luật liên quan đến lao động như: Luật Lao động năm 1994 và 2012, Luật Dạy nghề 2006, Luật Bảo hiểm xã hội 2006, Luật Công đoàn 2012…

Theo ông Đào Văn Hộ, Chuyên gia tư vấn độc lập, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), mặc dù đã nội luật hóa hoặc áp dụng trực tiếp những công ước của ILO nhưng việc thực thi những quy định này còn gặp nhiều khó khăn trong thực tế.

“Một số văn bản hướng dẫn luật lao động còn chậm và thiếu đồng bộ, nội dung văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện,” ông Đào Văn Hộ nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn thiếu hệ thống dữ liệu về thông tin điều tra, thống kê lao động, việc làm, dạy nghề, thu nhập và mức sống của người lao động… để làm cơ sở xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp với tình hình thực tế.

Thừa nhận những hạn chế trong việc thực thi luật, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, trong thời gian tới cần phải tăng cường năng lực thực thi luật pháp của các cơ quan hành pháp và tư pháp để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của công ước trong luật lao động.

Bên cạnh việc đưa những công ước và luật, việc bảo đảm việc làm bền vững và bình đẳng giới theo công ước của ILO cũng được triển khai theo các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Từ năm 1991, nhằm thực hiện khuyến nghị và công ước của ILO, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hoạt động “Quỹ trợ vốn cho người lao động vay tự tạo việc làm” (Quỹ CEP) tại các tỉnh, thành phố.

Ông Ngô Sỹ Thắng, Ban Chính sách –Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, quỹ đã cấp vốn cho 1,7 triệu lượt lao động (76% là lao động nữ) với tổng doanh số phát vốn cho vay trên 10.506 tỷ đồng. Trung bình hàng năm quỹ giúp cho từ 5.000-6.000 người lao động vay vốn thoát nghèo. Quỹ còn giúp cho 23.634 hộ gia đình vay tu sửa nơi  ở với số tiền 1.834 tỷ đồng.

Từ một quỹ hoạt động với 17 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, quỹ CEP đã mở rộng thành lập thêm 11 chi nhánh tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Trước những hoạt động hiệu quả của quỹ CEP, ngày 6/8/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc nhân rộng mô hình Quỹ hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng việc bên canh việc nội luật hóa các công ước của ILO về việc làm bền vững và bình đẳng giới thì cần phải tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, tổ chức đại diện người lao động để việc thực thi các chính sách pháp luật đạt hiệu quả cao. Các dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động cũng cần được triển khai trong quá trình hoàn thiện luật.