KTĐT - Tại hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015 do Vụ BĐG tổ chức tại TPHCM ngày 15-16/7, Vụ trưởng Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Vấn đề giới là vấn đề mang tính cấp bách cần được giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hiện nay”.
Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ VN tham gia lao động không thấp hơn nam giới bao nhiêu nhưng trong công việc họ vẫn bị đối xử bất bình đẳng. Dù phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình nhưng tình trạng bạo lực đối với họ vẫn thường xuyên xảy ra.
Đó là một thực trạng mà ngành lao động – thương binh – xã hội phải thừa nhận và đang tìm cách thay đổi. Theo vụ Bình đẳng giới (BĐG) thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Luật BĐG có hiệu lực từ năm 2006 nhưng sau nhiều năm thực hiện bất BĐG vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống…
Tại hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015 do Vụ BĐG tổ chức tại TPHCM ngày 15-16/7, Vụ trưởng Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Vấn đề giới là vấn đề mang tính cấp bách cần được giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hiện nay”.
Theo thông tin của vụ BĐG, phụ nữ hiện chiếm trên 50% dân số cả nước; tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2 % so với nam giới là 86 %...
Tuy nhiên, những ngành nghề mà hầu hết lao động nữ chiếm ưu thế về số lượng như dệt may, nông – lâm nghiệp… đều là những ngành lao động phổ thông, thu nhập thấp; điều kiện làm việc thì khắc nghiệt mà tính rủi ro do mất việc rất cao.
Ở khu vực nông thôn, tình trạng lao động nữ chưa qua đào tạo rất phổ biến (chiếm 90%). Số lượng phụ nữ được học lên cao cũng rất thấp so với nam giới, tỷ lệ nữ đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ luôn chỉ bằng khoảng 1/2 so với nam giới trong suốt 10 năm qua.
Ngoài ra, theo thống kê cho thấy thì thu nhập của lao động nữ luôn chỉ bằng 3/4 lao động nam. Khi kinh tế biến động cần sa thải nhân công thì lao động nữ cũng là “ưu tiên hàng đầu”…
Trong công tác quản lý, lực lượng cán bộ nữ làm lãnh đạo cũng còn rất thấp so với nam giới. Thời gian qua, tình trạng này có chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo nhưng chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với sự phát triển của lao động nữ hiện nay.
Đó là chưa kể trong cuộc sống gia đình hàng ngày, phụ nữ thường xuyên bị đối xử như vai phụ, lép vế so với nam giới trong việc đưa ra các quyết định, nạn bạo hành gia đình vẫn diễn ra phổ biến.
Về nguyên nhân, Bộ LĐ-TB-XH cho là do việc triển khai luật BĐG còn chậm và thiếu tập trung chỉ đạo; các văn bản hướng dẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; chưa có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BĐG; đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG còn thiếu về số lượng, yếu về kiến thức, hạn chế trong kỹ năng hoạt động…
Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là nhận thức, từ nhận thức của người dân cho đến chính quyền địa phương. Nhiều địa phương ít quan tâm đến vấn đề này dẫn đến công tác tuyên truyền không được chú trọng, kết quả là người dân cũng không biết gì về BĐG.
Ông Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh: “Cần phải rà soát lại các chỉ tiêu về BĐG đã được đề ra, xem xét chỉ tiêu nào khó thực hiện trong thời gian qua do thiếu quan tâm, không có nguồn lực đầu tư hay nguyên nhân nào khác. Từ đó tìm ra vấn đề mấu chốt cần giải quyết để ưu tiên thực hiện”.
Dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015 cũng đề ra mục tiêu chính là chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức BĐG trong xã hội, nâng cao năng lực và vị thế của phụ nữ…