Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến thời điểm này, tiến độ triển khai các dự án cấp nước còn chậm.
Chỉ mới 34% người dân nông thôn dùng nước sạch
Tam Hiệp là xã đông dân của huyện Phúc Thọ với trên 11.000 nhân khẩu, nhưng lại đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Ông Nguyễn Văn Đạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Tam Hiệp có 4 thôn thì một thôn không khoan được nước; một thôn làng nghề rất cần nước sạch do nguồn nước ô nhiễm nặng. Từ năm 2005, TCN xã Tam Hiệp được đầu tư xây dựng nhưng do thời gian kéo dài, việc triển khai thiếu đồng bộ nên chưa thể cấp nước cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt kiểm tra hoạt động của Trạm cấp nước thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nam Bắc
Không chỉ có xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tại nhiều xã của nhiều huyện trên địa bàn TP như Chàng Sơn, Thạch Xá (Thạch Thất); Hiệp Thuận (Phúc Thọ); Tam Hưng, Thanh Thùy, Xuân Dương (Thanh Oai); Quảng Phú Cầu, Liên Bạt (Ứng Hòa)… tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt đã diễn ra từ lâu. Thậm chí có nơi, người dân phải mua nước từ nơi khác về sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế địa phương.
Những năm qua, TP đã đầu tư 115 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 94 công trình đang hoạt động. Cùng với các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn do Nhà nước đầu tư theo Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn và các dự án đầu tư của nước ngoài, đến nay, Hà Nội có khoảng 84% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới đạt 34%.
Như vậy, Hà Nội hiện có tới 2/3 dân số nông thôn thiếu nước sạch, gần 15% chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi do công trình cấp nước chưa vươn tới. Nhiều nơi người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nhưng chất lượng nguồn nước không bảo đảm.
Điều đáng nói là, sau nhiều năm TP đầu tư kinh phí cũng như sự chỉ đạo nhằm làm "sống lại" 16 TCN tập trung khu vực ngoại thành, đến nay, nhiều TCN vẫn chưa được hồi sinh.
Quy về một mối
Trong tổng số 16 TCN, có 6 TCN thí điểm được TP phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào năm 2015; 5 trạm được khảo sát, điều tra, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và chấp thuận nguồn vốn; 5 trạm được đầu tư, nay cần cải tạo, nâng cấp bổ sung để người dân có nước sạch.
Nguyên nhân khiến các TCN tập trung chậm hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng, theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT là do cơ chế quản lý, điều hành còn nhiều vướng mắc.
16 TCN tập trung, theo cơ chế đầu tư hiện nay là 60% vốn ngân sách Nhà nước, 30% ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, số còn lại 10% do người dân đóng góp.
Tuy nhiên, thực tế các DN được giao triển khai chỉ sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phần còn lại (40%) không kêu gọi được các nguồn vốn khác cũng như không huy động được nguồn vốn trong dân, dẫn đến nhiều công trình xây dựng dở dang, hiệu quả đầu tư thấp.
Chính vì cơ chế đầu tư có nhiều thành phần tham gia (T.Ư, TP, huyện, xã, DN, tư nhân…) nhưng không có quy hoạch, thiếu đồng bộ đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất trong xây dựng quản lý, chất lượng công trình không đảm bảo, dẫn đến lãng phí.
Theo Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn TP Hà Nội, đến năm 2015, TP phấn đấu có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% được sử dụng nước sạch đạt chuẩn.
Để đạt được kết quả này, bên cạnh nhiều giải pháp được đưa ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND TP tiếp tục cho thực hiện đầu tư xây dựng 6 TCN liên xã bằng 100% vốn ngân sách và giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn quản lý khai thác, bởi đây là công trình thí điểm phục vụ cho khu vực nông thôn.
Thực tế nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện theo cơ chế đầu tư này. Bên cạnh đó, giao cho các DN một thành viên có đủ năng lực, kinh nghiệm tiếp tục đầu tư một số công trình liên xã ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng khó khăn. Thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực nước sạch ở khu vực nông thôn cho Sở NN&PTNT để tránh chồng chéo trong quản lý, đầu tư và bố trí đủ kinh phí để đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung, nhằm đạt mục tiêu của quốc gia và TP.