Năm nay là lần thứ hai Tháng hành động được tổ chức với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”,
Ban chỉ đạo T.Ư đã xây dựng Kế hoạch triển khai Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 với mục đích thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm nơi làm việc nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, DN, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động. Theo kế hoạch, các hoạt động của Tháng hành động năm nay còn hướng tới việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến DN và người lao động. Một mục tiêu nữa được hướng tới với Tháng hành động năm 2018 là thúc đẩy các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, BNN, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.Như đã nói, đây là năm thứ hai Tháng hành động được tổ chức. Theo đánh giá chung, Tháng hành động lần thứ nhất (tổ chức tháng 5/2017) đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng mất ATVSLĐ vẫn ở mức lo ngại. Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2017 trên toàn quốc xảy ra 8.956 vụ TNLĐ với 9.173 nạn nhân, trong đó 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng, 2.727 là lao động nữ. Riêng tại Hà Nội, năm 2017, toàn TP xảy ra 254 vụ TNLĐ, làm 269 người chết và bị thương, trong đó có 28 vụ tai nạn nghiêm trọng. Điều đáng nói, số vụ TNLĐ của năm 2017 lại tăng 149 vụ so với năm 2016. Nguyên nhân được nhận định là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ chưa thường xuyên, liên tục; nhận thức của người dân và người lao động về vấn đề này còn hạn chế, nhất là đối với các hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do, làng nghề. Thống kê cho thấy, 60% các vụ TNLĐ có nguyên nhân từ sự chủ quan của con người. Từ tình hình thực tế trên có thể nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn tới TNLĐ cũng như các BNN là do người lao động chưa nhận thức một cách đúng mức sự cần thiết phải tự bảo vệ mình để tránh những nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình. Vụ tai nạn thương tâm gây chết người xảy ra ngay trong những ngày đầu của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 tại mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn thuộc địa bàn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một ví dụ. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, thay vì phải làm đúng quy trình là tạo đường xoáy trôn ốc để đưa máy móc lên trên, sau đó mới tiến hành bóc đá từ trên cao xuống để đảm bảo an toàn, hầu hết các đơn vị khai thác đá tại đây lại để công nhân bóc đá từ chân núi lên. Chính cách làm sai quy trình này đã tạo ra những hàm ếch lớn - những cái bẫy chết người khiến xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Một chi tiết khác đáng chú ý là theo đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn, nạn nhân của vụ tai nạn lao động là anh Bùi Xuân Hải, thợ lái máy xúc, sinh năm 1992, ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình không phải là công nhân của công ty mà chỉ là người làm công cho một hộ cá thể được thuê bốc xúc đá ở công trường. Trường hợp này khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng khá phổ biến hiện nay là ở rất nhiều công trường khai thác đá cũng như các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình do các nhà thầu tư nhân đảm nhiệm, lao động đa phần là thời vụ, theo hợp đồng ngắn hạn, thậm chí không có hợp đồng. Với điều kiện như vậy, nhận thức của người lao động về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ rất hạn chế, nếu không nói là con số không. Dạo qua các công trình xây dựng ở Hà Nội, nhất là các công trình của người dân, không hiếm cảnh người thợ làm việc trên các dàn giáo của những ngôi nhà 4 - 5 tầng mà không thắt dây an toàn. Ở nhiều làng nghề, người dân xử lý rác thải, phế thải, tiếp xúc với hóa chất độc hại, mà gần như không có một biện pháp bảo hộ nào. Nhiều DN, người sử dụng lao động không hề chú ý tới việc áp dụng các biện pháp ATVSLĐ cho người lao động.Theo kế hoạch đề ra, các hoạt động của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 hướng về DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, nhằm thu hút sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, DN và người lao động. Như vậy, một trong những đối tượng quan trọng của Tháng hành động là người lao động. Tuy nhiên, căn cứ vào thực trạng trên, có thể thấy một bộ phận người lao động, đặc biệt là những lao động giản đơn, thời vụ, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động hiện nay, chưa tiếp cận được các hoạt động cũng như mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động, mà cụ thể là những thông tin về sự cần thiết tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Trong khi đó môi trường làm việc lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, yếu tố có hại cho sức khỏe và cả sinh mạng của người lao động. Rõ ràng còn có những khoảng trống cần lấp đầy trong các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ nói riêng cũng như công tác bảo đảm ATVSLĐ nói chung. Bởi chỉ 30 ngày của một Tháng hành động là chưa đủ!