Nợ đọng nhiều văn bản hướng dẫn
Trong số gần 70 luật, pháp lệnh Quốc hội ủy quyền cho các cơ quan quy định chi tiết, hướng dẫn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng phải quy định chi tiết cho 61 luật, pháp lệnh. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, mặc dù số văn bản nợ đọng giảm mạnh, không còn văn bản tồn đọng từ 3 năm trở lên (trừ Luật Năng lượng nguyên tử), nhưng tình trạng này vẫn chưa triệt để và vững chắc, đặc biệt là với luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tính đến ngày 15/10/2012 còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Đáng lưu ý, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Đo lường và Luật Cơ yếu đã có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này còn tới 10 văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành. Một số bộ, ngành do áp lực đảm bảo tiến độ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi dự thảo văn bản còn chưa có đầy đủ ý kiến của các cơ quan phối hợp; có xu hướng mở rộng phạm vi quy định chi tiết cả những luật, pháp lệnh không ủy quyền…
Tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long đưa ra thống kê: Luật Các tổ chức tín dụng còn tới 19 nội dung chưa được hướng dẫn, Luật An toàn thực phẩm 33 nội dung, Luật Khám chữa bệnh 7 nội dung… Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn hay không? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Kim Hồng cũng yêu cầu làm rõ vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như vai trò phối hợp của các bộ, ngành có liên quan khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sự yếu kém trong xây dựng văn bản pháp luật là một thực tế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhận thức của cả bộ máy. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, không chỉ trong xây dựng pháp luật mà trong điều hành nói chung. Theo Bộ trưởng, giải pháp khắc phục là phải rất công khai, minh bạch quá trình xây dựng pháp luật, tránh "cài cắm" những nội dung chỉ có lợi cho quản lý điều hành; đồng thời nâng cao kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Sai phải điều chỉnh
Đưa ra thực tế gần đây một số văn bản của Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội như việc khai tên cha mẹ trong CMND, phạt xe chính chủ và thu phí bảo trì đường bộ… các ĐBQH đặt câu hỏi về quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Trong những năm gần đây, nhiều luật, pháp lệnh đã được ban hành song còn nhiều mối quan hệ trong xã hội hoặc là chưa có luật để điều chỉnh hết, hoặc có điều chỉnh nhưng chưa sát với thực tế. Với những quy định trên, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu ban hành thông tư để đảm bảo đúng quy định của nghị định và pháp luật. "Có nhiều vấn đề khi quy định chi tiết chưa được xã hội đồng tình thì cần tuyên truyền thuyết phục. Nhưng, các cơ quan của Chính phủ cũng cần căn cứ vào ý kiến phản hồi của nhân dân để xem xét nghiêm túc văn bản ban hành ra có đúng không. Nếu đúng để tuyên truyền thực hiện, nếu sai thì sửa; nếu chưa đủ cụ thể thì phải hướng dẫn; nếu tổ chức thực hiện sai thì phải nhận và điều chỉnh lại cho đúng" - Bộ trưởng khẳng định.