Kinhtedothi - Những phát biểu đầu tiên, sự lựa chọn nhân sự cho nội các mới và những quyết sách đầu tiên của bà Theresa May sau khi chính thức nhậm chức Thủ tướng Chính phủ ở Anh đều ẩn chứa thông điệp là chuyện nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit chắc chắn và không còn có thể bị đảo ngược giống như ván đã được đóng thành thuyền. “Brexit là Brexit” - bà May đã tuyên bố chắc chắn như vậy khi còn ganh đua trong nội bộ đảng Bảo thủ để trở thành chủ tịch đảng và Thủ tướng Anh. Việc loại trừ gần như tất cả những cộng sự thân cận của người tiền nhiệm vốn không tán thành Brexit và đưa những nhân vật hiện thân điển hình cho Brexit vào nội các là bước đi tiếp theo trong cùng định hướng. Rồi đến chuyện bà May quyết định nước Anh không đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của EU từ đầu năm tới.
Rồi chuyến đi ra mắt của bà Thủ tướng ở những thành viên EU quan trọng nhất. Tất cả xoay quanh không phải chuyện nước Anh ra đi hay ở lại mà là nước Anh ly khai EU như thế nào. Trên thực tế, quá trình nước Anh ra khỏi EU đã được khởi động cho dù thành viên này chưa chính thức đặt vấn đề với EU theo quy định hiện hành chung của EU. Chính phủ mới ở Anh và cá nhân bà Thủ tướng mới vẫn còn tiếp tục chần chừ và sẽ trì hoãn việc đề cập chính thức với EU về Brexit vì hai lý do. Thứ nhất là ổn định và thống nhất nội bộ ở Anh, trong đảng cầm quyền cũng như trên chính trường và trong nội bộ xã hội. Nếu không đạt được trước đó mục tiêu này thì Chính phủ của bà May sẽ không thể có được sự hậu thuẫn chính trị cần thiết ở trong nước để đàm phán với EU về thực hiện Brexit. Thứ hai là dàn xếp trước với EU và các nước thành viên EU những gì có thể dàn xếp trước được để nước Anh sau khi ra khỏi EU vẫn duy trì được tối đa những cái lợi mà nước Anh lâu nay đã có được từ tư cách là thành viên EU. Phía Anh càng trì hoãn đàm phán thì EU càng khó xử và bị bất lợi.