Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vấn đề an ninh hàng hải bao trùm Hội nghị G7

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ nhóm 7 nước phát triển (G7) diễn ra tại Nhật Bản (ngày 26 - 27/5) đã thể hiện quyết tâm của các nguyên thủ hàng đầu thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản thăm khu đền Ise Grand Shrine, Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản thăm khu đền Ise Grand Shrine, Nhật Bản.
Hội nghị là nơi các nguyên thủ hàng đầu thế giới bàn thảo nhiều vấn đề nóng, trong đó có Biển Đông, mà không có sự tham dự của Trung Quốc. Đây là thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đang tiến gần hơn bao giờ hết tới ngày ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông. Phán quyết được dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn tới cách hành xử của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này. Tại Hội nghị các ngoại trưởng G7 hồi tháng 4, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích những hành vi “khiêu khích và áp đặt” trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố dù không đề cập tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào, cũng khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Theo giới phân tích, Hội nghị các nguyên thủ G7 lần này nhiều khả năng sẽ ra một tuyên bố tương tự, với những lời lẽ khiến Trung Quốc cảm thấy bị "động chạm" mạnh mẽ. Bắc Kinh cũng lo sợ, Tokyo và Washington sẽ tận dụng hội nghị này để đẩy xa vòng “cô lập” nước này vì những theo đuổi chủ quyền phi lý trên biển.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, nhóm G7 cần có “lập trường rõ ràng và cứng rắn” về các hành vi theo đuổi chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc. Đây là một trong những phương cách để bồi đắp uy tín của nhóm 7 quốc gia lớn này với vai trò bảo vệ các giá trị chung, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải.

Đặc biệt, việc lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và nhóm G7 nói chung đối với uy tín và vai trò của nước ta trong khu vực. Việc ngày càng có thêm các quốc gia Đông Nam Á tham gia vào Hội nghị G7 mở rộng cũng cho thấy vị thế của khu vực này đang ngày càng được nâng cao. Những vấn đề liên quan tới khu vực này cũng dần trở thành trọng tâm giải quyết của các lãnh đạo thế giới. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác định, trong khuôn khổ hội nghị này, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng về chủ đề “Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á” sẽ nêu vấn đề xây dựng “Vùng biển tự do và ổn định,” trong đó bao gồm cả Biển Đông, là một trong những biện pháp cần thiết hỗ trợ khu vực tăng trưởng thịnh vượng.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc Nhật Bản (từ ngày 26 - 28/5) và tham dự Hội nghị G7 mở rộng, phát biểu trước hàng trăm DN Việt Nam và Nhật Bản tại buổi đối thoại kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” Việt Nam - Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, Thủ tướng đã nêu một số định hướng lớn về đầu tư, thương mại và du lịch.