Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri. |
Dự và chủ trì buổi tiếp xúc cử tri có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cùng các đại biểu đại diện cho cử tri của quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Thanh Trì. Ông Đỗ Đức Hồng Hà thay mặt đoàn báo cáo với cử tri về những nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu 9 ý kiến. Theo đó, cử tri phường Dương Nội, quận Hà Đông cho rằng, là địa phương có nhiều dự án xây dựng, nhiều đường ngang, ngõ tắt, khi PCDB đã tổ chức nhiều điểm chốt, tổ Covid cộng đồng hoạt động rất hiệu quả nhờ có sự quan tâm rất sâu sát của lãnh đạo phường, quận. Tuy nhiên, khá nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn, khiến cho công việc kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Còn những người làm công tác PCDB và tổ Covid cộng đồng chủ yếu làm bằng tinh thần mà không có chính sách. Do đó, rất mong được QH xem xét hỗ trợ cho những người tham gia PCDB.
Còn cử tri phường Biên Giang và Đồng Mai (quận Hà Đông) kiến nghị về đường Quốc lộ 6 chạy qua Biên Giang, Đồng Mai, Yên Nghĩa (Hà Đông) xuống cấp, trong khi đó lưu lượng người xe luôn ở mức rất cao. Rất mong QH và TP Hà Nội nhanh chóng triển khai xây dựng để đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, phường Biên Giang có 3 tổ dân phố là Đoàn Kết, Phú Mỹ, Hòa Bình đang nằm trong hành lang chống lũ sông Đáy. Căn cứ vào quy hoạch các hộ đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất từ lâu, nhưng nay nhiều hộ muốn xin xây dựng, cải tạo nhà để ở thì không được.
Do đó, đề nghị QH và TP Hà Nội sớm quan tâm đến người dân trong hành lang thoát lũ cho xây sửa nhà, hoặc sớm di chuyển ra khỏi khu vực để người dân an tâm sinh sống. Các nhà máy vẫn thải ra sông Đáy, khiến cho ảnh hưởng đến đời sống người dân hai bên bờ sông. Đồng Mai người dân đã bị thu hồi đất nông nghiệp từ 2007 khi còn Hà Tây, nhưng đến nay gần 3.500 suất đất dịch vụ không được cấp, người dân vẫn mong mỏi được giao đất để ổn định cuộc sống.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Lệ Hằng (quận Hà Đông) cho biết: Số học sinh (HS) tăng mạnh hàng năm nhưng giáo viên (GV) không tăng. Năm học 2021-2022 Hà Đông thiếu 700 GV. Chỉ có cấp THCS được thu học phí nên có điều kiện ký hợp đồng thuê GV, còn cấp mầm non và tiều học gặp rất nhiều khó khăn trong dạy học do thiếu GV. Đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cho phép các trường học được ký hợp đồng với GV, hoặc tăng định biên cho các trường...
Ở điểm cầu trực tuyến tại huyện Thanh Oai, cử tri xã Cự Khê đề nghị tháo gỡ khó khăn tại dự án Thanh Hà, khắc phục những sai phạm để người dân tiếp tục được xây dựng nhà ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cử tri xã Hồng Dương đề nghị được quan tâm cấp nước sạch cho người dân, hiện Thanh Oai mới được 10/21 xã có hệ thống cấp nước sạch. Nhân dân Thanh Oai rất mong được sự quan tâm có 1 trường Đại học và trường nghề. Bố trí cây ATM còn khá ít trên địa bàn, khiến các cây ATM liên tục có đông người, ảnh hưởng đến công tác PCDB.
Ngoài ra, cử tri thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) kiến nghị TP Hà Nội xem xét phê duyệt quy hoạch phát triển các địa phương, đề nghị quan tâm xây dựng phê duyệt Thanh Oai thành quận giai đoạn 2026-2030. Nhiều địa phương phía Nam dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp, do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ kiên quyết hơn trong công tác PCDB, kịp thời rút kinh nghiệm về PCDB của một số địa phương trong thời gian qua. Cần thiết QH điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế để chống dịch cho tốt. Các trạm y tế rất khó khăn về trang thiết bị cần được bổ sung đáp ứng yêu cầu PCDB...
Thay mặt đoàn ĐBQH ông Nguyễn Kim Sơn đã cảm ơn các ý kiến chia sẻ, đóng góp của cử tri. Đoàn ĐBQH ghi chép và báo cáo lên Kỳ họp thứ 2, QH khóa XV những nội dung mà cử tri kiến nghị. Riêng ý kiến Thanh Oai muốn có trường đại học và nghề, ngành GD&ĐT sẽ lưu ý vấn đề này.
Đối với vấn đề thiếu GV của Hà Đông do phát sinh từ chương trình đổi mới giáo dục và tăng dân số cơ học, do đó cần có chính sách và giải pháp tổng hòa từ vĩ mô là QH và Chính phủ, đồng thời các địa phương, cần có sự đào tạo lại để chuyển đổi, giải quyết được vấn đề thiếu GV, bổ sung nguồn lực để giải quyết được thiếu GV.
Bộ GĐ&ĐT đã làm việc và trình Chính phủ thi tuyển mới GV cho năm 2022 là GV tin học và ngoại ngữ, nhưng chưa thể đảm bảo số lượng GV đang thiếu hiện nay. Cần quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo để đảm bảo đủ GV; dự kiến Bộ sẽ có cuộc họp chuyên đề về nội dung thiếu này nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc thiếu GV giảng dạy.