Vốn "nóng" trên cả hai thị trường
Ngân hàng lớn than vốn chạy về nơi lãi suất cao hơn thì ngân hàng nhỏ phản ánh vốn chảy ngược về ngân hàng lớn - đó là hai luồng ý kiến trái chiều được ghi nhận từ cuộc Hội nghị này. Tuy nhiên, có một thực tế chung mà các ngân hàng cùng thừa nhận là sự sụt giảm vốn huy động từ khu vực dân cư. Rất có thể đâu đó vẫn còn những hiện tượng lách trần lãi suất một cách tinh vi hơn. "Nhiều ngân hàng kêu họ không chỉ bị sụt giảm 10%, 15% mà có khi lên đến 20% so với trước kia. Riêng bản thân ngân hàng Hàng Hải, chúng tôi tin chắc có sự dịch chuyển vốn, có thể vốn chạy sang ngân hàng lãi suất cao hơn"- ông Trần Anh Tuấn- Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải cho biết. "Chính sự vi phạm của một vài ngân hàng đã làm rối loạn thị trường, gây tâm lý chờ đợi cho khách hàng"- ông Tuấn nói.
Thực tế, rất nhiều ngân hàng thừa nhận trước đây họ huy động vượt trần lãi suất. Một số ngân hàng giải thích vì ngân hàng bạn vượt trần nên họ phải theo. Cũng có ý kiến cho rằng vì NHNN chưa cương quyết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, hiện nay, NHNN đã kiên quyết. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, bản thân các ngân hàng cần thống nhất quyết tâm vì điều đó đi liền lợi ích chính mình. Đây là cơ hội giảm chi phí huy động vốn, đưa trở lại mặt bằng vốn phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế.
Việc các ngân hàng tự giám sát lẫn nhau cũng được cả hệ thống hết sức ủng hộ. Hiện, nhiều ngân hàng đã lập ra các tổ giám sát để giám sát chính mình và giám sát chéo ngân hàng bạn. Đồng thuận này không chỉ bằng lời mà ngay tại cuộc họp ngày 12/10, các ngân hàng đã đặt bút ký một cam kết bằng giấy trắng, mực đen, bằng danh dự và uy tín của chính họ.
Vấn đề vốn không chỉ nóng trên thị trường huy động dân cư mà còn khá nóng trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây. Hai ngày sau khi NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng - nơi các NH vay mượn lẫn nhau đã nóng lên. Ngày 11/10, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần lên đến 17%/năm, trong khi kỳ hạn 1 tháng lên 19%/năm.
Việc lãi suất trên thị trường 2 nóng lên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Bảo Việt, là do "thông tin dừng hạn mức tín chấp của ngân hàng cổ phần khiến thị trường liên ngân hàng nóng lên thời gian qua"- bà Nguyệt nhấn mạnh.
Có nên đưa ra nhiều trần?
Tại Hội nghị, đã có một số ý kiến đưa ra về việc nên hay không áp thêm nhiều trần lãi suất như trần lãi suất liên ngân hàng, trần cho riêng các kỳ hạn và cả trần cho từng ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối từ nhiều lãnh đạo ngân hàng. Theo TGĐ Techcombank Nguyễn Đức Vinh, cực chẳng đã, NHNN mới phải áp các giải pháp hành chính như quy định trần lãi suất. Đây là công cụ hành chính không nên thực hiện trong thời gian dài.
Nhiều đại diện ngân hàng cũng cho rằng, trước đây chúng ta đã có trần lãi suất cho liên ngân hàng nhưng không hiệu quả. "Ngân hàng nào quản trị thanh khoản lỏng, sử dụng vốn cho vay nhiều hơn huy động thì phải mua vốn. Ngân hàng tốt có vốn dồi dào thì được quyền thỏa thuận bán vốn với mức lãi suất mà họ đặt ra. Đó là qui luật cạnh tranh công bằng"- một lãnh đạo ngân hàng nói. Nếu sử dụng trần lãi suất liên ngân hàng không cẩn thận rất có thể gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhiều lãnh đạo ngân hàng, nên có chính sách hỗ trợ các ngân hàng nhỏ bằng cách tăng tỉ lệ trúng OMO (hiện nay tỉ lệ trúng là 16-18%).