Cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do tồn dư chất bảo vệ thực vật (BVTV), chất tạo nạc trong sản phẩm nông nghiệp là những vấn đề được Cục ATTP (Bộ Y tế) đưa ra trong Hội thảo tăng cường đảm bảo ATTP, giám sát NĐTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) diễn ra chiều 26/10 tại Hà Nội.
Nguyên nhân gây ngộ độc nguy hiểm hơn
Theo thống kê của Cục ATTP, kể từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra gần 130 vụ NĐTP với khoảng 200 người mắc và 20 người tử vong. Gần đây nhất là vụ ngộ độc của 48 công nhân Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (KCN Mỹ Trung, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Mặc dù hồi chuông cảnh báo tình trạng NĐTP tại các bếp ăn tập thể trong các KCN, KCX đã được gióng lên từ lâu nhưng cho đến nay, các vụ NĐTP vẫn liên tiếp xảy ra với diễn biến phức tạp hơn. Thậm chí, nguyên nhân gây ngộ độc cũng có chiều hướng nguy hiểm hơn. Tiêu biểu như vụ NĐTP ở Nam Định mới xảy ra, Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định đã đưa ra kết luận, nguyên nhân gây ngộ độc là do hóa chất BVTV thuộc nhóm lân hữu cơ trong món canh rau ngót nấu thịt mà những công nhân này đã sử dụng trong bữa trưa. Chính hóa chất này đã gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, những năm trước, số lượng rau củ quả có lượng tồn dư thuốc BVTV ở Việt Nam nằm trong ngưỡng ngang với các nước trong khu vực. Vậy nhưng, trong những lần kiểm tra gần đây, số mẫu thực phẩm có lượng tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép đã tăng 10% so với trước. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thuốc BVTV nếu có lượng tồn dư quá cao trong rau quả là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc, có thể gây rối loạn thần kinh T.Ư, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi, chất tạo vàng cho thịt gà… cũng làm gia tăng tình trạng NĐTP trên cả nước. Điều đáng nói là 68% số các vụ ngộ độc đó lại bắt nguồn từ bếp ăn tập thể tại các KCN, KCX.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tính đến nay, hầu hết nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP trong bếp ăn tập thể đều do thực phẩm kém chất lượng. Đề cập đến vấn đề này, ông Phong cho biết, nguyên nhân khiến thực phẩm không đảm bảo chất lượng tuồn vào các bếp ăn tập thể ở các KCN, KCX là do cơ chế quản lý của các cấp còn thả nổi. Cùng với đó, giá thành của một suất ăn hiện nay lại quá thấp, có nơi chỉ có 11.000 đồng/suất nên việc lựa chọn nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, nhiều KCN, KCX không xây dựng bếp ăn tập thể, các suất ăn được đặt từ các đơn vị chế biến bên ngoài, quá trình vận chuyển không đảm bảo cũng là nguyên nhân của 70% các vụ NĐTP đã xảy ra. Hiện, đã có nhiều công ty bị xử phạt hành chính vì để xảy ra ngộ độc tập thể, thậm chí là bị rút giấy phép kinh doanh nhưng dường như mức xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Xử phạt chỉ là cách để làm dịu công luận, còn các giải pháp lâu dài để kiểm soát ATTP thì vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.
Tại hội nghị, ông Phong khẳng định, cách hiệu quả nhất để đảm bảo ATTP cho CBCNV các KCN, KCX là chủ cơ sở, giám đốc công ty cung cấp thực phẩm cho các bữa ăn cần coi sức khỏe người lao động là tài sản quan trọng nhất của DN, cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng VSATTP tại các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, do giá thực phẩm mỗi mùa, mỗi vùng miền khác nhau nên để xây dựng khung giá thành cho một suất ăn là rất khó. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa các vụ NĐTP tại các bếp ăn tập thể, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thanh tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các cơ sở nuôi trồng nông sản để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Kiên quyết xử phạt những cơ sở vi phạm, không đảm bảo ATTP. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến ATTP. Có như vậy, sức khỏe và đời sống của người lao động mới có thể được đảm bảo.
Bếp ăn đảm bảo an toàn tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Lý
|