KTĐT - Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, tự chủ đại học là vấn đề mấu chốt giúp các trường tự tìm con đường riêng để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội với chất lượng ngày càng cao.
Ngày 23/10, tại Trường Đại học Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VUN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề tự chủ-tự chịu trách nhiệm ở các trường đại học và cao đẳng Việt Nam”
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, tự chủ đại học là vấn đề mấu chốt giúp các trường tự tìm con đường riêng để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội với chất lượng ngày càng cao.
Vì vậy, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cao đẳng là điều tất yếu.
Hiện nay, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam vẫn mang nặng cơ chế "xin – cho".
Việc thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ làm nảy sinh những tiêu cực, quá nhiều trường đại học được “khai sinh” trong khi chất lượng giáo dục lại bị tụt hậu.
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc xếp loại, phân loại các trường đại học, cao đẳng để trao quyền tự chủ cho họ. Theo các đại biểu, vấn đề cốt lõi khi trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cao đẳng là cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ.
Cùng với đó, cần đề ra một lộ trình cụ thể để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng.
Với một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát chất lượng đào tạo thông qua công tác kiểm định chất lượng được xây dựng thành các tiêu chí rõ ràng, chứ không phải thắt chặt quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng.
Lãnh đạo của 277 trường đại học, cao đẳng là thành viên của VUN đã về tham dự hội thảo./.