Kinhtedothi - Cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã hoàn thành hiệp thương lần thứ 3 và chốt danh sách các ứng cử viên chính thức.
Người dân phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy xem danh sách các đại biểu ứng cử nhiệm kỳ 2016 -2021. Ảnh: Phạm Hùng
Lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức (chậm nhất là ngày 27/4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5). “Các cấp ủy Đảng phải vào cuộc, rà soát danh sách cử tri, chỉ đạo để người ứng cử gặp gỡ tiếp xúc cử tri, bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên. Không nên tuyên truyền quá mạnh cho người có chức có quyền, còn người khác lại ít. Cần bình đẳng giữa các ứng cử viên trên đơn vị bầu cử, không để đưa lên phát thanh truyền hình người được tuyên truyền 5 phút, còn người thì không được phút nào” - đó là quan điểm đã được Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. Đây cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm hiện nay khi cuộc bầu cử bắt đầu bước vào giai đoạn tiếp xúc cử tri để những người ứng cử trình bày về chương trình hành động của mình. Lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Theo Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức, sau khi đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử thì từng người giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐB Quốc hội hoặc ĐB HĐND; sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị. Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, để bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử thực sự là việc không đơn giản, nếu không nói là rất khó khăn nhưng không thể không nỗ lực tối đa để thực hiện. Bởi vì, đây là yếu tố rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử. Việc vận động bầu cử phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử, không có chuyện ai hơn ai. Theo ông Trần Thanh Mẫn, để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên, Điều 68 của Luật đã quy định việc nghiêm cấm các hành vi trong vận động bầu cử, đó là: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”. MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn để mọi người ứng cử đều bình đẳng như nhau. Với hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau và trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng quy định tương tự. Các ứng cử viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt. “Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp sẽ giám sát chặt chẽ việc này. Chúng tôi rất mong muốn Nhân dân cùng tham gia giám sát vì có càng nhiều kênh thông tin theo dõi sẽ bảo đảm tốt tính khách quan trong cuộc bầu cử”- ông Mẫn nhấn mạnh.