Theo một thông cáo báo chí do Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn gồm hơn 400 người, trong đó có 230 người cổ động viên, 140 nghệ sĩ và 30 vận động viên Taekwondo biểu diễn. Hai miền Triều Tiên cũng sẽ thi đấu cùng nhau lần đầu tiên như là một đội bóng thống nhất trong Thế vận hội.
Quan chức 2 miền đã đàm phán kể từ tuần trước, lần đầu tiên sau 2 năm về việc tham dự Thế vận hội của Bình Nhưỡng.
"Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng nếu 2 miền thể hiện sự hòa giải và đoàn kết, ví dụ như thông qua một cuộc diễu hành chung", Chun Hae-sung - Trưởng đoàn đàm phán và Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc nói.
Phái đoàn của Triều Tiên sẽ bắt đầu đến Hàn Quốc vào ngày 25/1.
Tuy nhiên, trong một động thái có liên quan, 20 quốc gia đang họp tại thành phố Vancouver, Canada đã đồng ý xem xét các biện pháp chế tài cứng rắn hơn để ép Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo, Triều Tiên có thể phải chịu giải pháp quân sự nếu không chọn đối thoại.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng, đây không phải là thời gian để giảm bớt áp lực lên Triều Tiên. Thực tế là Bắc Triều Tiên đang tham gia đối thoại có thể được hiểu là bằng chứng cho thấy các biện pháp chế tài đang hoạt động.
Bên cạnh đó, khả năng 2 miền cùng tham gia vào một đội đã gây bất ổn cho các cầu thủ Hàn Quốc bởi giống như hầu hết các môn thể thao khác, đội tuyển Hàn Quốc mạnh hơn so với Triều Tiên.
"Các cầu thủ của chúng tôi đã thực sự lo lắng," Sarah Murray, huấn luyện viên đội khúc côn cầu nữ Hàn Quốc nói với Reuters hồi tháng trước trong chuyến huấn luyện của đội bóng tại Mỹ.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết, quyết định về đội khúc côn cầu thống nhất chưa hoàn tất, vì cần sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và cơ quan quốc tế liên quan.
"Chúng tôi biết rõ quan ngại của người dân về vấn đề này. Nhưng mặt khác, điều này có thể đóng góp tích cực vào hòa bình của bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều", ông nói thêm.