Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Văn hóa thăm bệnh - Từ nét đẹp thành nỗi lo] Bài 4: Thay đổi từ hai phía

Nhật Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã đến lúc, cả ngành y và người dân cần phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề thăm bệnh và thay đổi theo hướng tích cực. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có dịp trao đổi với GS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Nghĩa tình rất đáng quý, nhưng…
Thưa ông, thăm bệnh là nhu cầu chính đáng của người thân cũng như bệnh nhân nằm viện, nhưng đã từng xảy ra nhiều chuyện buồn ở BV do người thăm không tuân thủ quy định. Là người từng quản lý bệnh viện công tuyến trung ương và nay là BV tư nhân, ông có thể nói đôi điều về vấn đề này?
- Nhu cầu thăm nom, chăm sóc người nhà là nhu cầu vô cùng chính đáng, không chỉ tại Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, nhu cầu này còn lớn hơn vì truyền thống của người Việt ta là nặng tình nặng nghĩa. Thấy người thân nằm viện là phải đến thăm thể hiện sự quan tâm, động viên chứ không thể làm ngơ được.
 GS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Chủ tich Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Ngoài ra, vì điều kiện chăm sóc người bệnh ở các cơ sở y tế cũng chưa được chu đáo, đầy đủ, nên không chỉ thăm bệnh, mà người thân còn phải thay nhau chăm bệnh. Thậm chí một bệnh nhân nằm viện, cùng lúc có đến 2-3 người chăm. Nhu cầu chính đáng này cần được tôn trọng, nhưng quan trọng nhất là phải được tổ chức như thế nào để vừa đáp ứng mong muốn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đảm bảo an toàn cho môi trường BV. 
Từng có lần ông đề cập đến văn hóa thăm bệnh của người Việt còn nhiều điều đáng bàn và cần phải thay đổi?
- Có các hiện tượng khá phổ biến là, đa số người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến thăm bệnh nhân nằm viện đều không có kế hoạch, họ có thể đến thăm bất cứ lúc nào theo lịch cá nhân của họ. Ở cơ quan, nhiều khi cả cơ quan đến thăm theo sắp xếp lịch của sếp.
Tôi đã từng gặp nhiều giám đốc DN, thủ trưởng cơ quan phải tác động đến lãnh đạo BV để đến thăm người bệnh không theo giờ quy định. Khi đến thăm bệnh, còn có nhiều người không tuân thủ nội quy của BV, hút thuốc lá, vứt rác bừa bãi, nói cười hồn nhiên, ầm ĩ cả buồng bệnh. Người vào thăm ngồi chen lấn cả những giường bệnh khác, ngồi nhiều giờ đồng hồ không chịu về, làm ảnh hưởng đến chính bệnh nhân và những người bệnh xung quanh. Theo quy định của BV, mỗi bệnh nhân được một người nhà ở lại chăm sóc, thì có người nhà vẫn tìm cách trốn trong hành lang, thậm chí trong nhà vệ sinh lúc bảo vệ kiểm tra để ở lại 2-3 người cùng lúc.
 Cổng Bệnh viện Nhi T.Ư luôn nhộn nhịp người đến thăm và chăm bệnh nhi. Ảnh: Ngọc Tú

Có hai vấn đề, thứ nhất, người nhà họ rất quan tâm, lo lắng cho bệnh nhân, chúng tôi cũng rất thông cảm với họ. Thứ 2, việc chăm bệnh do nhân viên y tế đảm nhiệm tại cơ sở y tế chưa tốt, người nhà không yên tâm. Vì chúng ta quá thiếu lực lượng điều dưỡng.
Theo thống kê, cả nước hiện có 140 nghìn điều dưỡng - hộ sinh. Tỷ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Nếu tình hình không được cải thiện, thì vấn đề chăm sóc người bệnh vẫn phải phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân. Đây là vấn đề “đau đầu” của các BV trên cả nước, nhất là hệ thống BV công lập.
Cần được quy định trong Luật khám chữa bệnh
Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có sự lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, giữa các bệnh nhân, người nhà, người thăm bệnh và nhân viên y tế, rồi lây lan ra cộng đồng. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề chăm bệnh, thăm bệnh một cách nghiêm túc, thưa ông?
- Đây là vấn đề rất đáng lo hiện nay, đang gióng lên hồi chuông báo động. Cần thấy, bệnh viện là môi trường dễ lây lan. Các bệnh có thể lây từ người ốm đang nằm viện cho người lành đến thăm hoặc chăm sóc người bệnh. Hoặc ngược lại các bệnh có thể lây từ người mang virus đến thăm nom và chăm sóc người ốm đang nằm viện. Ví dụ như ở Đà Nẵng vừa rồi là người mang virus SARS-CoV-2 đã lây cho người ốm đang nằm viện với các bệnh nền rất nặng nên dẫn đến là đã có nhiều người tử vong.
 BV Đa khoa Meladtec tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch cũng như kiểm soát chặt người ra - vào BV. Ảnh: Ngô Thu.
Bởi vậy, hệ thống y tế cần thay đổi, ý thức người dân cũng cần thay đổi. Nếu không, không chỉ Covid-19 mà nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ lây lan và bùng phát trong cộng đồng, trong xã hội. Tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta không thể biết trước rằng, sau Covid-19 sẽ là dịch bệnh gì. Cho nên phòng hơn chống, phòng từ cơ sở y tế, từ người dân và cộng đồng. Việc thay đổi nhận thức và thói quen giao tiếp, văn hóa thăm bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng trách các dịch bệnh truyền nhiễm.
Việc xảy ra dịch bệnh hiện tại cũng là một dịp để nâng cao nhận thức, giáo dục người dân các thói quen sinh hoạt, vệ sinh lành mạnh, an toàn. Dịch bệnh lây lan trong BV cũng là lúc người dân cần nhìn nhận lại văn hóa thăm bệnh của mình để có ý thức hơn, phòng tránh bệnh cho mình cũng là phòng tránh bệnh cho người thân và cộng đồng.
 Ở các BV công hiện nay, ít có BV nào bố trí được không gian chờ khám bệnh khang trang, sạch đẹp như thế này (ảnh chụp tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)

Chúng ta tự hào về truyền thống tốt đẹp bao đời nay của người Việt với tình cảm gắn kết, đùm bọc, yêu thương nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận lại, loại bỏ những việc làm chưa tốt, chưa đúng vì sự an toàn của cộng đồng. Khi có người thân ốm nằm viện, cần tuân thủ nội quy của BV, thực hiện vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y.
Rõ ràng, mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại và thay đổi văn hóa thăm bệnh, nhưng ngành y và mỗi cơ sở y tế cũng cần có giải pháp để vừa tạo điều kiện cho người nhà thăm bệnh, vừa chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong môi trường BV, đặc biệt là vấn đề người nhà thăm bệnh?
- Đúng vậy, ngành y tế cũng cần phải có quy định chặt chẽ hơn nữa về việc người nhà đến thăm nom và chăm sóc người bệnh. Mỗi cơ sở y tế cũng cần tổ chức lại quy củ việc thăm nom trong BV một cách bài bản, khoa học và hợp lý để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và nâng cao chất lượng điều trị. Theo đó, BV ngay từ lúc xây dựng phải có nội dung thăm bệnh, xây dựng phòng có giường bệnh, không gian cho người nhà đến thăm. Việc này phải được tính đúng, tính đủ vào giá phòng.
 Đây cũng là hành lang đáng mơ ước nhiều đơn vị y tế bởi sự yên tĩnh, sạch sẽ từ trong ra ngoài (ảnh chụp tại BV Ung bướu Hà Nội)

Còn với việc chăm sóc người ốm, phải tổ chức thật tốt hơn dịch vụ này, đưa vào nội dung hoạt động của BV. Đây là dịch vụ không thể thiếu của mỗi BV. Trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi sắp tới cũng cần đưa nội dung này vào.
Đối với người dân, cũng cần thay đổi văn hóa thăm bệnh, không thể không tuân thủ nội quy của BV. Tuy nhiên, để thay đổi văn hóa thăm bệnh, cũng phải mất thời gian dài, thay đổi từ từ. Ngay lúc này, chúng ta phải tăng cường truyền thông, để mỗi người dân hiểu, thực hiện, tuân thủ quy định để phòng tránh dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho BV và an toàn cho cộng đồng.
Xin cảm ơn GS!