Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa Tràng An - “Bà mối” của du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du khách đến với Hà Nội không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, thăm thú chùa chiền, phố cổ… mà luôn để mắt tới chủ nhân của điểm đến để cảm nhận sự thân thiện.

Thế nên, những người làm du lịch vẫn quan niệm, văn hóa Tràng An là “bà mối” để thu hút du khách.

Con sâu làm rầu nồi canh

Là người có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế nhận ra rằng: “Cảnh sắc đẹp, hấp dẫn đến mấy không thể tách khỏi con người. Một nụ cười thân thiện, sự tận tình chu đáo, lòng mến khách dễ khiến du khách ấn tượng, lưu luyến không muốn rời đi”. Rõ ràng, rất nhiều du khách khi trở về nước, ngoài mấy thứ đồ lưu niệm, họ còn mang theo cả những chuyện mắt thấy, tai nghe kể cho người thân, bạn bè. Đây chính là kênh quảng bá hữu hiệu nhất cho du lịch. Ông Kế nhận định, so với các tỉnh, TP khác, kể cả trong nước và quốc tế, Hà Nội là điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn rất an toàn, thân thiện. Có lẽ vì thế mà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được trang du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet xếp hạng Nhì về những điểm đến đáng “đồng tiền bát gạo” nhất đối với du khách năm 2016.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho khách nước ngoài.  	Ảnh:  Linh Anh
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho khách nước ngoài. Ảnh: Linh Anh
Tuy vậy, Hà Nội vẫn tồn tại những “con sâu làm rầu nồi canh”. Là người đến Hà Nội lần thứ hai, chị Joaniefan (37 tuổi, người Singapore) rất thích đi bộ trong khu phố cổ để mua sắm, tham quan và hòa mình vào sự tấp nập, nhộn nhịp nơi đây. Nhưng điều duy nhất khiến chị phiền lòng là những người bán hàng rong và đánh giày "lẵng nhẵng" bám theo. Phải thừa nhận, để tạo ấn tượng "kéo" du khách quay trở lại không đơn giản, nhưng một cử chỉ, thái độ bất nhã sẽ ghi ấn tượng xấu, thậm chí xóa nhòa mọi sự cảm mến đã có.

Không cần đầu tư lớn

Hiện nay, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng trộm cắp là nhằm vào những người nước ngoài đi một mình để chèo kéo; lợi dụng đám đông móc ví, cướp giật tài sản. Một số lái xe taxi, xe "ôm” tăng giá, khách xuống xe chưa kịp lấy đồ đã phóng đi… Để tránh mất thời gian và những rắc rối phát sinh từ những dịch vụ không mong muốn, chị Joaniefan bày tỏ: “Nhiều khách lần đầu đến Hà Nội còn không nỡ từ chối lời mời, đeo bám dai dẳng của những người bán hàng. Hậu quả là họ phải bỏ ra số tiền cao hơn nhiều so với dịch vụ họ được hưởng. Để thu hút du lịch, Hà Nội cần có các biện pháp cứng rắn hơn đối với các đối tượng có hành vi chèn ép khách”.

Mong muốn ngày càng có nhiều du khách đến và trở lại khám phá Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở là cùng Sở VHTT xây dựng môi trường văn hóa thuận lợi cho du lịch phát triển. Ngành du lịch sẽ chủ động phối hợp với Công an TP và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án kiên quyết xóa bỏ các hiện tượng chèo kéo, ép khách mua hàng. Đặc biệt, Hà Nội cam kết nâng cấp, phát triển và sử dụng có hiệu quả các quầy thông tin du lịch kết hợp đường dây nóng hỗ trợ du khách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có thái độ thân thiện với du khách… Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân, để Hà Nội đẹp dần trong mắt du khách không đòi hỏi phải đầu tư tốn kém như nâng cấp hạ tầng du lịch. Nâng cao văn hóa phục vụ mới là “con át chủ bài”, là “bà mối” cho ngành công nghiệp không khói. Mà điều đó vốn là cái gốc văn hóa đầy truyền thống của người Hà Nội xưa nay.