Vẫn khó trong thu hút xã hội hóa
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, giai đoạn 2011-2016, TP đã chú trọng quan tâm đầu tư mua sắm TTBYT để phục vụ khám chữa bệnh. Các sở, ngành TP đã tổ chức đăng ký, xét duyệt, tổ chức mua sắm TTBYT với tổng kinh phí hơn 1.140 tỷ đồng; thực hiện thu hút, phê duyệt được 49 đề án xã hội hóa (XHH) với số tiền gần 700 tỷ đồng... Các cơ sở y tế qua giám sát, khảo sát cũng cho thấy đã thực hiện khá tốt quy trình mua sắm, công khai theo quy định. Các trang thiết bị được mua sắm, trang bị đã được đưa vào sử dụng ngay, có hiệu quả, sử dụng đúng quy định, kịp thời, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân... Đoàn giám sát cũng đánh giá cao việc phối kết hợp có hiệu quả của Sở Y tế với các đơn vị trong TP và với Bộ Y tế để tăng cường hiệu quả của công tác mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT...
Tuy nhiên, không ít bất cập trong công tác mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT cũng được chỉ ra. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế mà Đoàn giám sát, khảo sát trực tiếp, trang thiết bị còn thiếu chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ Nhân dân, cá biệt có bệnh viện (BV) chỉ có một loại trang thiết bị duy nhất được trang bị và hoạt động quá công suất (như máy chụp X-quang tại BV Đa khoa Hà Đông; máy chụp cộng hưởng từ tại Trung tâm tiêu hóa công nghệ cao…). Việc thu hút XHH trong đầu tư trang thiết bị cho một số chuyên khoa, ngành mũi nhọn còn khó khăn. Tại các BV hạng 2, hạng 3 và các trung tâm y tế cấp huyện hầu như chưa huy động được nguồn vốn XHH cho đầu tư mua sắm TTBYT. Đa số các BV thiếu cán bộ chuyên ngành quản lý vật tư, TTBYT dẫn đến việc quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, sữa chữa còn gặp nhiều khó khăn… Vẫn có tình trạng đầu tư cơ sở khám chữa bệnh và đầu tư TTBYT thiếu đồng bộ do việc phối hợp đầu tư giữa sở, ngành TP với các quận, huyện, thị xã còn khó khăn.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách, một trong những điểm khó khăn trong thu hút XHH là cơ cấu giá dịch vụ liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập, chưa tính cụ thể khấu hao tài sản cố định, trong khi đó giá trị khấu hao tài sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hình thành giá dịch vụ. Cùng với đó, không ít lãnh đạo quản lý, BV vẫn còn tâm lý dựa vào ngân sách Nhà nước, chưa thực sự đổi mới, chủ động tự chủ tài chính, mạnh dạn đầu tư. Liên ngành y tế - tài chính – KH&ĐT cũng chưa kịp thời nhân rộng cơ chế thí điểm hỗ trợ lãi suất cho BV vay vốn đầu tư mua sắm TTBYT như cơ chế áp dụng cho BV Tim Hà Nội. Việc xây dựng phần mềm quản trị BV, trong đó có phần mềm quản lý TTBYT hiện đại còn chậm triển khai.
Đầu tư phải có trọng điểm
Từ thực tế giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị, các dự án đầu tư, mua sắm TTBYT phải gắn với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế công lập, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên. TP cần chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác XHH mua sắm TTBYT theo Nghị quyết 93/NQ-CP (xem xét hình thức đầu tư như đối tác công - tư (PPP); vay vốn ngân hàng, qua các quỹ của TP để đầu tư…); cơ chế đầu tư đặc thù đối với BV đầu ngành, BV hạng 3, trạm y tế các xã khó thực hiện XHH. Đặc biệt quan tâm thực hiện quy trình mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT nguồn vốn XHH, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ TTBYT; hài hòa quyền lợi của người dân, của BV và nhà đầu tư.
Đoàn giám sát cũng cho rằng, Sở Y tế phải chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho TP đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ cho nhà đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đầu tư, hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để triển khai các dự án XHH. Rà soát toàn bộ các TTBYT đã quá hạn sử dụng, thực hiện thanh lý đối với những tài sản trang thiết bị không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT tại các BV công lập thuộc TP, các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường… Nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm quản trị BV trong đó có phần mềm quản lý TTBYT và đề xuất cơ chế tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý TTBYT đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cơ sở y tế…