Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt.
Chuyển biến chậm
Ngay sau khi kết thúc năm 2014, Bộ NN&PTNT đã chọn năm 2015 là Năm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo chất lượng nông, lâm, thủy sản (NLTS). Từ đầu năm tới nay, cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp siết chặt quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm NLTS. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho tới nay vẫn chưa mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng khi mà chỉ số về ATTP chưa có cải thiện so với năm trước, thậm chí có chỉ số lại kém hơn.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm tới nay, TP đã phát hiện hơn 2.100 trường hợp vi phạm liên quan đến ATTP NLTS và ra quyết định xử phạt hành chính hơn 5,6 tỷ đồng. Tại tỉnh Lào Cai, tình hình vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất cấm trong nông nghiệp từ Trung Quốc về buôn bán, trao đổi tại các chợ phiên vùng biên vẫn diễn ra thường xuyên. Còn tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, vấn đề khó khăn nhất là TP còn tới 2.500 điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP của người buôn bán, kinh doanh tại các chợ cũng còn hạn chế nhất định.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 9 tháng năm 2015, qua kết quả kiểm tra của 47 tỉnh, TP trên cả nước, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS xếp loại C vẫn chiếm tới 20,5%. Điều đáng nói là phần lớn các cơ sở này sau khi được tái kiểm tra vẫn xếp loại C. Đặc biệt, số liệu giám sát ATTP NLTS trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao. Đơn cử, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, trong khi bình quân mọi năm chỉ khoảng 6 - 8%...
Quyết liệt vào cuộc
Một trong những vấn đề nổi cộm được lãnh đạo Bộ NN&PTNT lo lắng, phân tích là tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, không chỉ ở các tỉnh Đông Nam Bộ mà còn lan về cả khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, chủ yếu là các loại chất Clenbuterol, Salbutamol, vàng ô và kháng sinh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận, tình trạng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường thế giới. Điều khiến cho ngay cả những người làm quản lý băn khoăn là những chất như Clenbuterol, Salbutamol vốn được sử dụng trong y tế và được phép nhập khẩu nhưng vẫn bị tuồn ra ngoài sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi nhằm tăng tỷ lệ nạc. Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu khoảng 68 tấn Clenbuterol nhưng sử dụng trong y tế rất ít. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ triển khai đợt cao điểm hành động vì VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến hết Tết Nguyên đán Bính Thân. Mục tiêu là giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bộ NN&PTNT đề nghị các ngành, địa phương phải triệt tận gốc vấn đề, tức là kiểm tra, ngăn chặn ngay từ đối tượng buôn lậu, kinh doanh chất cấm trước khi đưa tới tay người chăn nuôi.
Lắng nghe những tranh luận sôi nổi tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phát động và thực hiện quyết liệt đợt cao điểm hành động vì VSATTP nông nghiệp, rút kinh nghiệm để triển khai trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tập trung triển khai đề án thí điểm thanh tra tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm cơ sở nhân rộng ra cả nước. Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cần tích cực phối hợp với các ngành, địa phương vào cuộc giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan tới ATTP NLTS.
Kiểm tra chất lượng rau quả tại siêu thị Big C Hồ Gươm Plaza. Ảnh: Quang Thiện
|