Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn lúng túng “câu hỏi” trưng cầu ý dân về những vấn đề gì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật trưng cầu ý dân.

Nhiều ĐB cho rằng việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, về các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến ĐB, Uỷ ban TVQH Quốc hội đề nghị quy định 4 vấn đề mang tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. 
Vẫn lúng túng “câu hỏi” trưng cầu ý dân về những vấn đề gì - Ảnh 1

Tổng Bí thư tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm.
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), điều này đã được thiết kế theo hướng chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân nhưng xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở các Khoản của Điều này rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng. Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và ĐB Quốc hội phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không, việc trình Quốc hội xem xét, thủ tục trình và xem xét như thế nào? Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống là vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”. “Điều này có nguy cơ làm cho qui định mang tính hình thức, mất đi ý nghĩa hết sức to lớn của điều này nói riêng và cả đạo luật nói chung, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc”, ĐB Vinh nói.

ĐB Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đề nghị, cần bổ sung nội dung trưng cầu ý dân liên quan dến quyền con người, quyền công dân để phù hợp với tinh thần Hiến pháp và hội nhập quốc tế. ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị bổ sung trưng cầu ý dân về vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Trong khi đó, ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đề xuất, cần nói rõ “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước” là gì. Đó phải là những vấn đề tác động to lớn đến sự phát triển chung, cần huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dần, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân được thông tin đầy đủ, từ đó lựa chọn một cách sáng suốt, trách nhiệm nhất.

Quanh vấn đề kết quả trưng cầu ý dân, các ĐB cho rằng, quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành, là quá  cao, khó khả thi, bởi trưng cầu ý dân là hình thức rất mới, đòi hỏi phải có quá trình nhận thức. Nếu tỷ lệ quá cao dễ dẫn tới tình trạng ép cử tri đi bỏ phiếu, như vậy là mất tính chất của trưng cầu ý dân.

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nếu ý kiến: Tôi cho rằng, quy định như Dự Luật còn chung chung, chưa cụ thể vì theo quy định tại quy định những vấn đề quyết định trưng cầu dân ý đều là những vấn đề có tính định hướng lớn, quan trọng của đất nước. Nếu kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực thì nghị quyết của UBTV Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân có vị trí như thế nào so với hệ thống pháp luật của quốc gia trong trường hợp kết quả trưng cầu ý dân còn chưa phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật quốc gia? hiệu lực của kết quả này được thực hiện như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định cần thiết để làm rõ hơn vị trí, vai trò, hiệu lực của kết quả trưng cầu dân ý có hiệu lực, làm căn cứ cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… 

Dự kiến, Luật Trưng cầu ý dân sẽ được thông qua ngày 26/11 tới và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật về Hội. Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.