Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn mang tính tự phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm qua, nhiều trường phổ thông của Hà Nội đã thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Sinh học bằng ngoại ngữ thứ hai (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp).

KTĐT - Trong những năm qua, nhiều trường phổ thông của Hà Nội đã thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Sinh học bằng ngoại ngữ thứ hai (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp).

Đây được xem như một cách nâng cao chất lượng giảng dạy và thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Và thực tế, các mô hình giảng dạy tiếng Anh tăng cường hoặc song ngữ đang là những thế mạnh thu hút học sinh của nhiều trường ngoài công lập như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Việt Úc...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã chỉ ra trong cuộc thảo luận về mô hình dạy song ngữ trong các trường phổ thông Hà Nội: Do Bộ GD&ĐT chưa ban hành chương trình và sách giáo khoa cho loại hình dạy song ngữ nào, nên hàng loạt câu hỏi vẫn được đặt ra với các trường như bắt đầu nên dạy song ngữ cho học sinh từ lớp mấy là phù hợp? Giáo viên nên thuê giáo viên nước ngoài hay nâng cao trình độ giáo viên trong nước. Tính pháp lý của các chương trình dạy song ngữ này như thế nào...

Từ thực tế của trường, ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Song ngữ Hà Nội Academy cũng chỉ ra những khó khăn: Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giáo viên không ổn định, nhất là giáo viên quốc tế, vì hầu hết chỉ có visa 1 năm, số ít là 2 năm. Với đội ngũ giáo viên Việt Nam thì hầu hết đều thiếu kinh nghiệm sư phạm. Cùng với đó, do tài liệu sách giáo khoa nước ngoài không đầy đủ, không thống nhất, hay bị chậm và rất khó kiểm soát. Chất lượng giảng dạy cũng khó đánh giá vì trình độ ngoại ngữ của cán bộ quản lý kém, chất lượng học sinh song ngữ hiện nay nhìn chung chưa cao...

Hiện các trường triển khai chương trình song ngữ đều tự phát và do nhu cầu cũng như sức ép lớn từ phụ huynh, nên một vấn đề cũng được đặt ra là tương lai của học sinh. Do chưa có quy định cụ thể của Bộ, nên nhiều trường dạy song ngữ cũng không dám cho các học sinh của mình đi dự thi để lấy bằng nước ngoài. Trong khi đó, cách đánh giá thông qua các kỳ thi như tốt nghiệp THPT, thi ĐH cũng khiến phụ huynh lo lắng. Đặc biệt là các lớp song ngữ bằng tiếng Pháp, do các trường ĐH có hệ đào tạo song ngữ tiếng Pháp không nhiều, chủ yếu là các trường khối kinh tế - kỹ thuật, trong khi đó, học sinh học hệ song ngữ chủ yếu theo khối D nên rất khó chọn trường để dự thi.

Theo lãnh đạo nhiều trường, để tháo gỡ những khó khăn cho các trường đang thí điểm song ngữ, Bộ GD&ĐT cần có khung chương trình phù hợp, cho phép nhà trường thực hiện chương trình một cách mềm dẻo, phù hợp với điều kiện thực tế. Về cách đánh giá, xếp loại học sinh cũng cần có quy chế cụ thể, vừa đảm bảo nguyên tắc của Bộ, vừa phù hợp với yêu cầu quốc tế. Theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), vấn đề trước mắt là cần xây dựng một chương trình, sách giáo khoa song ngữ chính thức; đào tạo giáo viên song ngữ một cách chính quy và đồng bộ từ trường ĐH đến trường phổ thông... Nếu thực hiện được thành công loại hình đào tạo này, sẽ thực sự biến năng lực tiếng Anh, tiếng Pháp của thế hệ trẻ thành thế mạnh của Việt Nam.