Kinhtedothi - Nhằm bảo đảm trật tự ATGT cũng như đưa hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe container vào nền nếp, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/NĐ-CP, quy định rõ về điều kiện hoạt động của xe container như: Phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), phải đăng ký kinh doanh vận tải, đăng ký phù hiệu xe container… Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều lái xe container khi bị kiểm tra, xử phạt vẫn tỏ ra rất mơ hồ với các quy định.
Nhiều lái xe bị phạt vì... chủ xe
Thực hiện Công điện số 1966/CĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ; Kế hoạch liên ngành của Bộ GTVT và Bộ Công an về việc kiểm tra xử lý xe ô tô chở quá trọng tải, từ đầu tháng 12, Liên ngành Sở GTVT và Công an TP đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra bố trí làm 3 ca, túc trực 24/24 giờ tại các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào nội đô. Qua kiểm tra đã phát hiện hàng loạt các sai phạm của lái xe cũng như doanh nghiệp vận tải.
Chiều ngày 24/12, có mặt tại QL2, nơi tổ công tác liên ngành số 2 đang làm nhiệm vụ, chúng tôi ghi lại hình ảnh rất nhiều xe container, xe đầu kéo bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các xe đều không đáp ứng những quy định đề ra. Cụ thể, khi kiểm tra 3 xe, tổ liên ngành đã phát hiện, xử lý 2 xe không có phù hiệu xe container và 1 xe thiết bị GSHT không chiết xuất được dữ liệu. Điều đáng nói, mặc dù việc kiểm tra, xử lý xe container vi phạm trật tự ATGT đang "đánh" trực tiếp vào các lái xe, tuy nhiên trên thực tế, nhiều lái xe vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành các quy định đã đề ra. Lái xe Nguyễn Danh Long điều khiển xe container BKS 16R - 4525 cho biết: "Chúng tôi chỉ là những người làm thuê, chủ xe bảo chạy thì chúng tôi chỉ biết chạy, còn việc thiết bị GSHT và các giấy tờ kèm theo đã đảm bảo quy định hay chưa thì chúng tôi hoàn toàn không biết (?!)".
Trong khi đó, lái xe Lê Quang Thắng điều khiển xe container mang BKS 38R - 001.48 của Công ty TNHH Vận tải Quang Huy, chạy tuyến Vĩnh Phúc - Lào bị xử phạt vì lỗi không có phù hiệu xe container cho biết, bản thân từng hỏi chủ xe về việc này nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Đang xin, có vấn đề gì thì gọi về cho công ty. Nhưng khi lái xe gọi điện về công ty thì nhận được thông tin giám đốc đi công tác nước ngoài (?!)Rời QL2, đoàn kiểm tra tiếp tục chuyển sang kiểm tra xe container trên tuyến QL3. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 giờ cắm chốt tuyệt nhiên không có xe container nào đi qua khu vực chốt. Một thanh tra GTVT trong đoàn chia sẻ, rất có thể các lái xe, hoặc chủ doanh nghiệp vận tải báo cho nhau nên các xe container đã dừng hoạt động hoặc tạm thời đỗ bên đường để tránh kiểm tra.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp “làm cho có”
Thượng úy Nguyễn Đức Thắng - Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc kiểm tra giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe container diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, việc kiểm tra hoạt động của thiết bị GSHT, các lực lượng chức năng lại gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Thắng, nếu thiết bị GSHT hoạt động bình thường, lực lượng chức năng chỉ mất khoảng 15 phút cho việc kiểm tra một xe. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra cho thấy công việc này thường mất gần 60 phút; thậm chí, có nhiều trường hợp lực lượng chức năng phải mất đến 90 phút.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Ngọc Vinh - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT cầu đường bộ, Tổ trưởng tổ liên ngành số 2 cho biết, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các xe container bị kiểm tra đã được lắp thiết bị GSHT, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lắp nhưng chỉ mang tính đối phó. Nhiều trường hợp, dù xe đã lắp thiết bị GSHT nhưng thiết bị đấu nối không đúng quy định, không dán số sim trên xe nên các lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để tìm. Bên cạnh đó, nhiều lái xe cho rằng thiết bị GSHT trên xe hoạt động bình thường nên lực lượng chức năng phải kiểm tra nhiều lần để lái xe khi bị xử phạt tâm phục, khẩu phục.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, để tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, đề nghị các chủ DN cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, số sim, cách chiết xuất dữ liệu thiết bị GSHT, dán phù hiệu xe container lên kính xe theo đúng quy định. Cùng với đó, kiến nghị các lực lượng chức năng bổ sung những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp DN lắp thiết bị GSHT mang tính đối phó, đơn vị cung cấp thiết bị GSHT không đạt chuẩn, kém chất lượng.
Theo thống kê của Sở GTVT, từ ngày 6 - 24/12, các tổ kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hơn 400 trường hợp xe container vi phạm, trong đó đã xử phạt hơn 100 trường hợp xe không có phù hiệu xe container, xe có thiết bị GSHT nhưng không chiết xuất được thông tin. |
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm lỗi thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Bảo Nhi
|
"Xe chở quá tải có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp vài trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng sức tàn phá hệ thống đường bộ có thể lên tới chục ngàn tỷ đồng. Do đó, các địa phương cần công bố số điện thoại đường dây nóng giữa các tỉnh với nhau, nếu xe nào cố tình vượt trạm thì liên lạc ngay với tỉnh lân cận để chặn bắt, xử lý. Có như vậy tài xế, doanh nghiệp vận tải mới không dám chở hàng quá tải". Ông Nguyễn Đình Thọ Thứ trưởng Bộ GTVT |